Doanh nghiệp có cổ phiếu tăng trần bất thường 23 phiên liên tiếp, từ 4.500 đồng lên 91.000 đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với biên độ tăng/giảm 15% trên HoSE, sau 23 phiên tăng trần, cổ phiếu CFV của Cà phê Thắng Lợi đã tăng một mạch từ 4.500 đồng/cổ phiếu lên 91.300 đồng/cổ phiếu. Doanh nghiệp này cho rằng có sự bất thường trong giao dịch.

Công ty CP Cà phê Thắng Lợi (UPCoM: CFV, địa chỉ: huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk), vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) báo cáo thông tin về việc cổ phiếu doanh nghiệp này tăng trần liên tiếp.

Theo Công ty, từ ngày 15/8 đến 13/9/2022 giá cổ phiếu CFV tăng trần liên tục, đưa thị giá từ mức 4.500 đồng/cổ phiếu tăng vọt lên 60.100 đồng/cổ phiếu (tính đến chốt phiên 16/9, cổ phiếu này đã tăng lên 91.300 đồng/cổ phiếu – PV). Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh qua các phiên giao dịch rất thấp, chỉ khoảng 100-300 cổ phiếu/phiên.

Trước đó, Cà phê Thắng Lợi đã báo cáo UBCKNN và HNX nhiều lần về tình trạng giao dịch bất thường theo đúng quy định; trong đó khẳng định Công ty, cá nhân ban lãnh đạo và những người liên quan không có bất kỳ tác động nào liên quan để đẩy giá cổ phiếu tăng cao, đồng thời cũng không giao dịch cổ phiếu CFV trên thị trường chứng khoán.

“Việc cổ phiếu Công ty liên tục tăng trần và khối lượng như vậy là rất bất thường, tất cả các phiên tăng trần chỉ có một lệnh đặt mua và bán giá trần trong phiên. Công ty nghi ngờ có một số cá nhân lợi dụng lỗ hổng của thị trường chứng khoán tác động đến giá cổ phiếu Công ty vì động cơ cá nhân”, văn bản CFV nhận định.

Cà phê Thắng Lợi đang tồn tại nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến cổ phần hóa

Cà phê Thắng Lợi đang tồn tại nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến cổ phần hóa

Vì vậy, Cà phê Thắng Lợi đề nghị UBCKNN và HNX tiến hành kiểm tra các cá nhân đã thực hiện các giao dịch trên, dẫn tới việc biến động tăng trần bất thường của cổ phiếu CFV.

Sự việc cổ phiếu tăng trần tới 23 phiên liên tiếp là hy hữu trên sàn chứng khoán Việt Nam. Dù trước đó, doanh nghiệp này đã phải giải trình 3 lần liên tiếp nhưng đến nay, UBCKNN và HNX vẫn chưa có thông tin để làm rõ về giao dịch cổ phiếu này.

Công ty cổ phần cà phê Thắng Lợi tiền thân là Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, được cổ phần hoá vào đầu năm 2019. Đơn vị hoạt động chính trong lĩnh vực trồng, khai thác và chế biến kinh doanh cà phê.

Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, CFV thu về 221,6 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sau khi khấu trừ chi phí, doanh nghiệp lỗ 3 tỷ đồng. Nguyên nhân được CFV cho biết là do giá cả thị trường cà phê biến động liên tục, giá cà phê nội địa tăng cao trong khi đó giá cà phê thế giới giảm mạnh gây khó khăn cho Công ty trong việc kinh doanh cà phê nhân phục vụ xuất khẩu.

Đáng nói, liên quan đến việc cổ phần hóa doanh nghiệp, hiện Cà phê Thắng Lợi đang tồn tại những vấn đề mâu thuẫn lợi ích kéo dài giữa doanh nghiệp và những người nhận khoán, nhiều vụ việc đã phải đưa ra Tòa án để giải quyết.

Tại báo cáo thường niên năm 2021, CFV cho biết tình hình Công ty tiếp tục diễn biến phức tạp khi đại đa số người nhận khoán vẫn chưa hợp tác với công ty trong việc thực hiện hợp đồng giao khoán dẫn đến hoạt động kinh doanh ảnh hưởng tương đối nhiều.

Tòa án nhân dân huyện Krông Pắk cũng đã đưa ra xét xử các vụ án người nhận khoán kiện Công ty và đã bác bỏ các yêu cầu khởi kiện vì không có cơ sở. Đồng thời đã xét xử 2 vụ đối với 10 trường hợp công ty kiện người nhận khoán và chấp thuận các nội dung khởi kiện của công ty là chấm dứt hợp đồng, thu hồi vườn cây và trả các khoản nợ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hồi đầu năm, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Krông Păk đã cưỡng chế thi hành với một số người nhận khoán liên quan đến số cà phê mà các người nhận khoán này không giao nộp cho Công ty CP Cà phê Thắng Lợi trong niên vụ 2018 - 2019. Tại buổi cưỡng chế, nhiều người dân đã tụ tập chống đối, yêu cầu Cà phê Thắng Lợi giảm sản lượng cà phê giao nộp cho Công ty trong bối cảnh mất mùa và giá nguyên vật liệu leo thang.

Tuy nhiên, theo CFV, nhóm đối tượng cầm đầu, lôi kéo người nhận khoán trong Công ty kiến nghị đòi hỏi chế độ, quyền lợi chỉ là cái cớ, mục đích chính là phá hoại cổ phần hóa doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp phá sản, giải thể, chuyển đất về địa phương và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao cho cá nhân quản lý.

Hiện CFV đang nắm tổng diện tích đất đai lên đến hơn 2.081 ha

Vốn điều lệ của CFV hiện ở mức 126,5 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Đắk Lắk nắm giữ 36% và bà Phạm Thị Linh sở hữu 61,36% vốn. Chồng bà Linh, ông Đỗ Hoàng Phúc hiện là Chủ tịch HĐQT CFV.