Doanh nghiệp bớt khổ nhiều

ANTD.VN - Kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội những tháng gần đây cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã có cảm nhận tích cực hơn về nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc đột phá mạnh mẽ, có hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Doanh nghiệp bớt khổ nhiều, “dễ thở” hơn.

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam tại diễn đàn “Cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp Thủ đô” vừa diễn ra. “Ghi điểm” ấn tượng nhất trong mắt giới doanh nghiệp là Cục Hải quan Hà Nội rất năng động, dốc sức cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hệ thống thông quan điện tử tự động, sau 2 năm đi vào hoạt động đã đem lại lợi ích thiết thực, nhất là giảm tối đa thời gian thông quan. Đại diện Cục Thuế Hà Nội cho biết, cơ quan này đã tích cực vào cuộc, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Điều đáng ghi nhận là đến nay, đã có tới 98% doanh nghiệp ở Hà Nội kê khai thuế điện tử và 96% doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Hệ thống cấp mã số tự động đã rút ngắn thời gian đăng ký xuống còn 30 phút. 

Tuy nhiên, những chuyển biến đó dường như vẫn chưa đủ để “vượt” những rào cản đang tồn tại trong môi trường kinh doanh. Từ phản ánh, kêu ca của giới doanh nghiệp cho thấy, có một số chính sách được ban hành tuy không còn chỉ “nằm trên giấy” nữa nhưng chưa được thực hiện nhất quán, chưa “tiếp oxy”, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Nguyên nhân chính là khi xây dựng các chính sách, cơ quan chức năng chưa thực sự lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp. Nếu có thì chỉ chú trọng một nhóm doanh nghiệp mà “bỏ quên” chính sách phải phục vụ đa số doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp phàn nàn về cách thức phổ biến các văn bản thuế hiện nay.

Khi một chính sách mới ra, có doanh nghiệp được tập huấn, có doanh nghiệp không, vì thế nhiều trường hợp doanh nghiệp “ngơ ngác” không hiểu đầy đủ nội dung văn bản, rất lúng túng khi thực hiện. Đại diện một số công ty, doanh nghiệp không ngần ngại nói thẳng, tình trạng nhiều đoàn kiểm tra đến làm việc với doanh nghiệp nhưng lại đòi hỏi doanh nghiệp phải “nghe lời, nói gì nghe nấy, cứ như... cha mẹ” là không thể chấp nhận.

Trong khi đó, việc tiếp cận vốn ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn mặc dù đã có rất nhiều hội thảo, chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp. Không có vốn, doanh nghiệp không thể tồn tại chứ chưa nói tới đầu tư, nâng cao công nghệ, tăng sức cạnh tranh.

Không phủ nhận những chuyển biến nhằm cải thiện và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng của các cơ quan quản lý Hà Nội, song tiếng nói của giới doanh nghiệp và các hiệp hội vẫn bày tỏ mong muốn được thực sự “hít thở”, làm ăn trong một môi trường thoáng đãng, bình đẳng và thuận lợi hơn nữa. 

Tin cùng chuyên mục