Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam ‘‘chết” hàng loạt

ANTĐ - Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong tổng số 17.735 DoaNh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm, thì ngành bán buôn, bán lẻ chiếm nhiều nhất, với 5.297 đơn vị. Nhiều cửa hàng, siêu thị đã phải lần lượt đóng cửa do không đủ sức gánh lỗ.
Ảnh minh hoạ

Nguy cơ hiện hữu

Thời gian gần đây, việc các cửa hàng Ninomaxx và Maxxstyle đồng loạt giảm giá 80%, thanh lý hết toàn bộ hàng hóa tại các cửa hàng để đóng cửa một số điểm bán thu hút sự chú ý của nhiều người. Không chỉ Ninomaxx mà một số nhãn hàng thời trang may mặc khác như Việt Thy, Foci, Legamex, May Saigon2 cũng giảm mạnh số lượng cửa hàng và lượng khách mua. 

Căng thẳng hơn là các siêu thị điện máy. Chi phí cao, sức mua giảm mạnh, tồn kho chất đống, nhiều doanh nghiệp phải liên tục hạ giá thành sản phẩm, khuyến mại, thậm chí chấp nhận lỗ. Siêu thị điện máy Wonder Buy phá sản từ giữa tháng 6-2011 do lỗ 52 tỷ đồng trong gần một năm hoạt động. Từ đầu năm 2012 đến nay, danh sách đóng cửa được bổ sung siêu thị điện máy Best Caring tại Phú Mỹ Hưng, quận 7 - TP HCM. Tại Hà Nội, một loạt siêu thị điện máy như Pico, Trần Anh, Media Mart… cũng thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa. 

TS Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà Bán lẻ Việt Nam cho biết, dù lạm phát đã được kiềm chế, nhưng ngành bán lẻ vốn là ngành sôi động nhất lại đang rất trầm lắng và đã rơi xuống vùng tăng trưởng âm những tháng gần đây cho thấy nguy cơ giảm phát đang dần hiện hữu. Thị trường ế ẩm, nhiều tiểu thương bỏ chợ, phá sản từ bán buôn đến bán lẻ, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt hầu bao khiến sức mua giảm sút nhanh. Ngay cả những thương hiệu lớn như Ninomaxx cũng rộ lên tin đồn phá sản, đóng cửa… Trong khi các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu tại thị trường trong nước như Saigon Co.op, Vinatex, Nguyễn Kim… rất khó khăn trong việc đấu tranh để có được mức giá tốt nhất nhằm giữ doanh số.

Doanh nghiệp ngoại vẫn sống khỏe

Những nguyên nhân khách quan như lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu, chi phí nguyên vật liệu, đầu vào tăng cao khiến các doanh nghiệp bán lẻ trong nước lao đao. Tuy nhiên trong khi các doanh nghiệp trong nước phải sống ngắc ngoải, đóng cửa hàng loạt thì doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có mặt tại Việt Nam vẫn sống khỏe. Một thống kê cho thấy, doanh số bán hàng một ngày của siêu thị nước ngoài bằng 20 siêu thị trong nước. Riêng BigC Thăng Long tại Hà Nội đạt doanh thu 20 triệu USD/năm, trong khi đó hệ thống siêu thị của DN trong nước có quy mô khá chỉ đạt khoảng 5-7 triệu USD/năm.

Công ty Lotte Mart - một công ty lớn thuộc tập đoàn Lotte Shopping bán lẻ khổng lồ tại Hàn Quốc mới đây cũng đã quyết định tăng đầu tư vào Việt Nam với số vốn lên đến 50 triệu đô la Mỹ. Công ty này đã có một trung tâm bán lẻ tại TP HCM và một trung tâm đang được xây dựng tại Hà Nội, dự kiến sẽ mở thêm trung tâm thứ ba tại Việt Nam. Cuối tháng 2 vừa qua, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Takashimaya cũng đã đến Việt Nam và hoàn thành việc ký hợp đồng thuê mặt bằng rộng 15.000m2 tại vị trí đắc địa của trung tâm quận 1, TP.HCM. Cùng với đó, đầu tháng 3-2012, tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản cũng công bố dự án trung tâm mua sắm Aeon Tân Phú Celadon tại quận Tân Phú, TP.HCM với mức đầu tư lên đến 109 triệu USD…

Cần có biện pháp hỗ trợ

Điều dễ nhận thấy nhất là, trong các cuộc đấu giá, mặt bằng lớn, mặt bằng đẹp đều thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó các DN Việt Nam đa số có quy mô nhỏ và vừa, vốn hạn chế, sức cạnh tranh yếu, cơ sở vật chất lại càng khó khăn hơn. Đặc biệt tài chính và nguồn nhân lực là 2 vấn đề lớn mà các DN trong nước gặp phải. Một đại diện doanh nghiệp bán lẻ trong nước cho biết, nếu doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam và họ có mặt bằng tại các trung tâm thì doanh nghiệp trong nước không thể nào sống nổi. Vì doanh nghiệp nước ngoài mạnh về tài chính nên họ có thể đàm phán được với các nhà cung cấp về giá, chiết khấu nhiều và đương nhiên, các doanh nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh được. Chính vì thế các doanh nghiệp dễ dàng bị các doanh nghiệp nước ngoài đè bẹp, khó có thể ngóc đầu lên đươc.

Kinh doanh siêu thị hiện đại đòi hỏi một hệ thống hậu cần (logistics) chuyên nghiệp, điều này cũng chỉ có ở các DN nước ngoài. Ví dụ: Metro Cash&Carry cho biết họ đã chi từ 20-25 triệu euro trang bị hệ thống cung ứng hàng (kho lạnh, xe chuyên dụng, thiết bị kiểm tra, bảo quản hàng hóa...) theo chuẩn của Metro toàn cầu và gần 800.000 euro cho công tác huấn luyện.

Trong khi đó, ở các siêu thị của Việt Nam, vào lễ Tết vẫn có chuyện không cung ứng đủ hàng. Bên cạnh đó là thiếu chiến lược dài hạn. Trong khi các DN nước ngoài khi vào Việt Nam đã bắt tay ngay vào xây dựng những thương hiệu riêng cũng như hợp tác với các nhà sản xuất, kể cả nông dân để sản xuất cung cấp hàng hóa cho họ, điều này các DN Việt Nam thực hiện rất chậm và khá manh mún.

Ngoài 5.297 DN bán lẻ ngừng hoạt động, giải thể trong 4 tháng đầu năm, hiện còn nhiều DN lớn nhỏ cũng đang trong tình trạng “cầm hơi”, hàng tồn kho đang chất đống. Và thời gian tới danh sách các DN phân phối bán lẻ phá sản sẽ còn nối dài. Để hỗ trợ các DN bán lẻ trong nước hiện nay, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chính phủ cần đẩy nhanh lộ trình giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống mức 20%. Kiểm soát chặt chẽ việc tăng chi phí đầu vào, đặc biệt là giá điện, nước, than, xăng dầu, chi phí xuất nhập khẩu tại cảng... cũng là cách để hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại trong bối cảnh hiện nay. Các doanh nghiệp trong Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đề xuất việc thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo nguồn vốn ủy thác cho các ngân hàng thương mại cho vay đối với các doanh nghiệp. Mở rộng hình thức cho vay thế chấp bằng hàng hóa cũng là cách kích thích các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư sản xuất và nâng sức mua của người tiêu dùng.