Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII:

Đoạn tuyệt với tăng trưởng theo chiều rộng

ANTĐ - Ngày 8-6, Quốc hội đã dành trọn một ngày thảo luận ở hội trường về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng bởi Đề án này được đánh giá sẽ có tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội đất nước trong những năm tới.

ĐB Phạm Văn Hổ (Phú Yên): “Đề án còn chung chung quá và nguồn lực thực hiện lại chưa rõ”.

ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa): “Nên nghiên cứu để có một bộ riêng là Bộ Kinh tế”.

Doanh nghiệp kiệt sức, tái cơ cấu thế nào?

Khẳng định tái cơ cấu là cần thiết song ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) muốn Chính phủ phải dự báo và phân tích, đánh giá sâu hơn sự tác động của đề án đến đời sống kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn cụ thể. Ông đặt câu hỏi: “Chúng ta phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào khi sức khỏe của nhân vật chính - thành tố trung tâm là các đơn vị kinh tế, các doanh nghiệp (DN) nói chung trực tiếp vận hành công việc tái cơ cấu, đang gần như kiệt sức? Các DN sẽ tái cơ cấu được tới đâu khi nguồn vốn hạn hẹp, tồn kho đầy ắp cùng với thị trường đầu ra trầm lắng?” ĐB Trần Văn (Cà Mau) cho rằng: “Một cỗ máy khi dỡ ra thì cũng cần phải có thời gian để lắp ráp lại sau khi đã sửa chữa, cải tiến. Do đó, phải tính toán được chi phí an sinh xã hội cần cho giai đoạn này”.

Nhiều ĐBQH quan tâm tới tính khả thi và nguồn lực để có thể thực hiện đề án. ĐB Phạm Văn Hổ (Phú Yên) chê: “Đề án còn chung chung quá và nguồn lực thực hiện lại chưa rõ”. ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) đồng tình với chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, đề án chưa thông qua ở kỳ họp này mà phải tiếp tục tham gia lấy ý kiến bổ sung ở nhiều phía, nhiều lĩnh vực để chúng ta hoàn tất và xây dựng một đề án có chất lượng và khả năng thực thi cao hơn. ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị nghiên cứu thành lập Ủy ban độc lập về tái cơ cấu nền kinh tế, cần trao cho cơ quan này những quyền hạn đặc biệt: “Có như vậy, việc tái cơ cấu nền kinh tế mới triển khai nhanh và thống nhất”.

Nhấn mạnh tính phức tạp và liên quan đến mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đề án, ĐB Lê Văn Học (Lâm Đồng) cho rằng, phải đánh giá kỹ thực trạng của nền kinh tế hiện nay, chỉ rõ nguyên nhân sâu xa của những yếu kém và từ đó tìm ra những giải pháp tái cơ cấu phù hợp. ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng tái cơ cấu là nhiệm vụ trung và dài hạn, còn trước mắt, cần có những giải pháp tình thế đủ mạnh giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo tiền đề cho việc tái cơ cấu. Đề nghị ưu tiên các giải pháp tín dụng và thuế, ĐB Thân Đức Nam nói: “Nếu ngân hàng quá thận trọng thì chưa hẳn tốt vì DN không trụ được, phải giải thể hoặc phá sản thì ngân hàng sẽ khó thu được nợ.” 

“Điểm huyệt” cho trúng

Cũng liên quan tới tái cơ cấu, nhiều ĐBQH rất phân vân, lo lắng trước sự làm ăn thua lỗ của các tập đoàn, các tổng công ty Nhà nước. Đọc nội dung đề án, ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) “vẫn nhìn thấy bóng dáng của kinh tế bao cấp” và yếu tố thị trường chưa được mở ra. Ông nói: “Nếu như vậy, loại hình DN này vẫn được nuông chiều và dễ tiếp diễn tình trạng hiện nay”. Đồng ý quan điểm “năng lực phản ứng của các bộ, ngành của trung ương và sự quản lý của các địa phương còn rất chậm”, ĐB tỉnh Khánh Hòa kiến nghị: “Nên nghiên cứu để có một bộ riêng là Bộ Kinh tế”.

Góp vào nội dung tái cơ cấu các tập đoàn, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, từ thực tế đổ vỡ và sai phạm của một số tập đoàn cho thấy rõ ràng thể chế pháp lý cho tập đoàn kinh tế Nhà nước đang có nhiều bất cập, thể chế đó có thể tạo ra khả năng sai phạm thất thoát tài sản Nhà nước. Phân tích các “lỗ hổng pháp lý” dẫn đến sự chi phối chính sách và lợi ích nhóm, ĐB Lê Thị Nga cho rằng, sự phân tán và kém hiệu quả trong thực hiện quyền chủ sở hữu giám sát đầu tư đã khiến những vụ việc sai phạm kéo dài chậm được phát hiện. Khi phát hiện thì hậu quả đã rất nặng nề và rất khó quy trách nhiệm. ĐB Thái Nguyên ví dụ: “Câu trả lời về trách nhiệm của việc để thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN cho đến nay đang bỏ lửng, tái cơ cấu thể chế phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề này.” Bà cũng yêu cầu làm rõ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, vốn được hưởng lợi thế độc quyền, được ưu đãi đặc biệt. “Đã xảy ra việc 2 Bộ trưởng mâu thuẫn nhau trong đánh giá về lỗ, lãi của kinh doanh xăng dầu làm cho người dân và đại biểu rất băn khoăn” - ĐB Lê Thị Nga nói.

Băn khoăn về nội dung đề án, ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) nhấn mạnh yêu cầu làm rõ bản chất và đặc trưng của mô hình tăng trưởng trong thời kỳ mới, trong đó chú trọng đến việc thay đổi mô hình. Ông nói: “Không thể mập mờ giữa mô hình theo chiều rộng và chiều sâu. Có lẽ, phải đoạn tuyệt với mô hình chiều rộng để tập trung vào chiều sâu. Đề án phải vẽ được sơ đồ “kinh mạch” để “điểm huyệt” cho trúng, để khôi phục chức năng của cơ thể nền kinh tế đất nước...”.