Đoản khúc khèn Mông

ANTĐ - Người phụ nữ mặc quần áo dân tộc đứng bên tường đá lợp mái ngói rêu phong, ngẩn ngơ, như đang cố tìm lại điều gì vừa bị đánh mất trong nền cũ của chợ Đồng Văn xưa. Rồi lặng lẽ lướt qua những bậc đá nhẵn thín để vào chợ mới mang theo tâm trạng của con ngựa thồ lạ bước trên quãng đường mới còn chưa quen!

Cảnh chợ cũ xưa nhộn nhịp thấm đẫm bao nét văn hóa giờ đã trở thành dĩ vãng

Phố cổ Đồng Văn - xác còn hồn mất

Bao nhiêu lần đến với phố cổ Đồng Văn, Hà Giang là mỗi lần mang lại cho người đặt chân đến niềm vui thích thú. Một phiên chợ cũng như những phiên chợ phố núi khác trên dải đất hình chữ S thân thương có điều gì lý thú đến thế mà làm cho người biết đến đều nao lòng? Có phải vì người tìm về với nét xưa ở chợ phiên Đồng Văn là người hoài cổ, hay chỉ là những người lạc hậu trong tư duy, cách nghĩ mà giờ đây ai đến cũng bùng lên tâm trạng như mình vừa đánh mất điều gì vô cùng quý giá!

Chợ Đồng Văn mới được xây trên vùng đất rộng bên sườn quả núi, cách nơi cũ không xa, chừng 500 mét. Khu chợ mới ở miền đá cũng giống như những chợ ở miền xuôi, lợp tôn đỏ trên những bức tường quét ve vàng như một sân khấu tân thời nằm xen với đá núi đặc trưng. “Chợ thế này đã đông đủ chưa?”. “Đủ rồi!”. Tôi hỏi một người đàn ông, tay đang băm băm, chặt chặt xuống góc phản thịt lợn, anh trả lời ngắn gọn. Nhìn cảnh chợ chính phiên mà người đến chợ vắng như nương rẫy nghịch mùa, càng làm tôi thêm nuối tiếc về một phiên chợ Đồng Văn xưa cũ giờ đây đang tấu lên đoản khúc trong tâm trạng người trót yêu nét văn hóa cổ kính miền cao nguyên đá.

Chợ phố núi lúc vắng, khi đông. Còn chợ Đồng Văn xưa kia thì có lẽ rất khác. Đã vào phiên thì chợ càng vui, mà lệch phiên thì cũng không thiếu cảnh nhộn nhịp. Từ bao mùa qua, mặc cho rừng sa mu trên đất cằn thay lá, biết bao mùa ngô vàng óng làm bạc đá trên non, người Mông xuống chợ không chỉ để trao đổi mua bán, mà họ xuống chợ để chơi chợ, để gặp bạn rồi gửi cho nhau những bài sáo, điệu khèn để ngày mai lên nương làm nhiều ngô hơn nữa… Nhịp sống ấy như hóa thân vào tường đá, mái ngói rêu phong của chợ Đồng Văn xưa cũ và đó chính là phần hồn trong mỗi phiên chợ đã có gần trăm năm tuổi ở nơi này.

Chợ Đồng Văn - một thời vang bóng

Một phụ nữ ngẩn ngơ trên nền chợ Đồng Văn cũ

Chảo lửa thắng cố bên góc cột đá nguội lạnh của nền xưa. Đâu đó vẫn còn dư âm của đống tro tàn muốn bốc hơi ấm lên mái ngói còn vương đầy bồ hóng của thời gian đun nấu. Giờ người Mông xuống chợ đôi khi vẫn ngang qua, không biết có phải do quen bước hay nhớ hương thắng cố và men rượu có từ nhiều đời qua. Tôi đang mải mê chụp những góc kiến trúc độc đáo của tường đá cô quạnh bên góc chợ, một phụ nữ mặc quần áo dân tộc đứng ngẩn ngơ, rồi nhìn ánh mắt vào sâu thẳm trong khoảng trống tĩnh lặng. Có người nói đồng bào Mông bền bỉ trong cách nghĩ và thích nghi với khắc nghiệt khó ai bằng. Người Mông không biết khổ. Người Mông thường quen với cái cũ.

Và cái say của những người Mông xuống chợ mới với bát rượu cũ, vẫn người bán ấy, nhưng nó khác cái nồng say ở góc phố rêu phong xưa, cho dù tất cả đều là men rượu chiết ra từ ngô trên đá. Tiếng khèn ở không gian mới, cũng lạc điệu muôn phần và trở nên lạc lõng ở một sân khấu mới lạ. Bởi sự thăng hoa và mộc mạc của họ chỉ toát lên đầy đủ khi ở một nơi đã gắn với mình thấm chặt như rễ sa mu bám sâu vào đá núi. Sự lặng thinh hôm nay của chợ Đồng Văn cũ, như đang tấu lên một đoản khúc về một phiên chợ đầy giá trị văn hóa, kiến trúc mà nó đã dày công chuyên chở từ hàng trăm năm qua dưới mênh mang đá núi giờ đã bị vùi vào quá vãng.

Tôi giơ chiếc máy ảnh lên chụp mấy phụ nữ Mông đang đứng tựa vào cột biển “Phố cổ”, nơi ngã rẽ vào chợ cũ, bắt gặp ánh mắt ngẩn ngơ hướng về khu chợ Đồng Văn xưa. Một chị bán bán ngô nướng bên đường, góp vui với khách như sự trách cứ “chụp làm gì ảnh xấu lắm. Chợ bỏ hoang rồi còn gì đẹp nữa đâu”... Câu nói không đầu không cuối của người bán ngô thôi cũng thấy được điều chứa chất sự tiếc nuối, bất lực. Nhiều người buồn, nhiều người tiếc và rất nhiều người ngẩn ngơ trong đó có chúng tôi, những khách phương xa từng biết và từng hòa vào phiên chợ.

Vậy là chợ Đồng Văn thấm đẫm văn hóa qua gần 100 năm nhộn nhịp giờ đây đã bị “chợ cấm họp, bỏ hoang phế để bảo tồn”. Nhiều người tiếc và nhiều người buồn, còn người Mông vẫn lầm lũi, họ chẳng than vãn mà chỉ im lặng, cam chịu như những phiến đá lạnh lẽo trong gian chợ đã trót nhuốm màu thời gian. Tôi ấn tượng và nhớ rất rõ, khi nói về chợ Đồng Văn bị cấm, anh Lương Triệu Tăng hài hước rằng: “Kiểu bảo tồn này chẳng khác bảo gì bảo đồng bào Mông hãy cất chiếc khèn đang cầm trên tay đi, sắm một cái kèn điện mà thổi”.