Đoạn đường sắt tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

ANTĐ - Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn huyện Thường Tín dài gần 17 km, chạy song song với tuyến đường Quốc lộ 1A qua 10 xã, 1 thị trấn. Trên tuyến có 2 nhà ga, 5 cầu, 3 chợ họp gần đường sắt, và 2 đường tỉnh lộ cắt ngang qua đường sắt. Thực tế cho thấy, nguy cơ tai nạn đường sắt ở địa bàn huyện Thường Tín đang thường trực ở hơn 40 tuyến đường dân sinh giao cắt đường sắt. Trong số này, 19 điểm giao cắt chưa có gác chắn, cảnh báo tự động. 

Hàng quán vi phạm hành lang an toàn đường sắt

Ngoài ra nằm dọc tuyến đường sắt chạy qua huyện còn có nhiều điểm có đông dân cư sinh sống. Theo quan sát của PV, một số điểm các hộ dân tự ý đặt tấm sắt đan vào lòng đường ray để đi lại. Có nơi, người dân tự ý mở đường đi qua đường sắt và dường như không bị cơ quan chức năng kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý.

Trao đổi với những người dân sống gần khu vực đường sắt chạy qua huyện Thường Tín  nằm trên địa phận xã Văn Bình, PV đã ghi nhận được những ý kiến là mong cơ quan chức năng lắp đặt rào chắn hay thiết bị cảnh báo khi tàu chạy qua. Tìm hiểu kỹ hơn về địa điểm tại Km 18  đối diện với cây xăng Văn Giáp, nơi mà trong cuối tháng 1 và đầu tháng 2-2014 vừa xảy ra 2 vụ tai nạn đường sắt liên tiếp, bác Rỡ, làm nghề sửa xe máy cho biết: “Khu vực này trước đây cũng có biển báo, nhưng không hiểu vì sao mà đã bị dỡ bỏ”. 

Trước thực trạng nêu trên, CAH Thường Tín đã có đơn kiến  nghị về tình trạng mất ANGT trên tuyến đường sắt chạy qua địa bàn, và đề xuất hướng tháo gỡ đến cơ quan có thẩm quyền. Gần đây nhất, tháng 2-2014, CAH có công văn với nội dung đề nghị: “Bổ sung đèn tín hiệu, chuông cảnh báo, gác chắn đối với những đường nhánh qua đường sắt, xây dựng hệ thống đường gom dân sinh tại một số điểm có hộ dân sinh sống gần với đường sắt”. Song, công văn đã gửi vẫn chưa nhận được hồi âm.

Cùng với CAH Thường Tín, Công ty TNHH một thành viên quản lý đường sắt Hà Ninh (đơn vị quản lý tuyến đường sắt đoạn qua huyện Thường Tín nói riêng) cũng từng có công văn gửi Ban ATGT thành phố Hà Nội, trong đó đề nghị có biện pháp, kế hoạch xóa bỏ đường dân sinh trái phép. Và trong thời gian chờ xóa bỏ, cần bố trí người cảnh giới bảo đảm an toàn. Một lần nữa, công văn kiến nghị này rơi vào sự im lặng.

Nguy cơ tai nạn giao thông dọc tuyến đường sắt chạy qua huyện Thường Tín đã và đang thường trực, đe dọa an toàn, tính mạng của người tham gia giao thông. Giải quyết mối nguy cơ này, rất cần sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của thành phố. Giảm, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn đường sắt trên địa bàn huyện Thường Tín nói riêng, không quá khó để thực hiện bằng giải pháp đồng bộ: xử lý triệt để vi phạm an toàn hành lang đường sắt và rà soát, lắp đặt thiết bị cảnh báo ở những điểm giao cắt đông lưu lượng người, phương tiện…