Đổ xô mua hàng thời trang giảm giá cuối năm

ANTĐ - Cảnh chen chúc, xô đẩy diễn ra tại hầu hết các cửa hàng quần áo treo biển giảm giá, xả hàng. Lượng khách mua sắm quá đông khiến nhiều cửa hàng phải treo biển “tạm ngừng phục vụ” để hạn chế người vào.

Đổ xô mua hàng thời trang giảm giá cuối năm ảnh 1Cảnh mua sắm tấp nập tại một cửa hàng quần áo

“Cơn lốc” mua sắm

Năm nào cũng vậy, cứ cận Tết Nguyên đán là hàng loạt cửa hàng thời trang từ cao cấp đến bình dân ở Hà nội đua nhau treo biển “đại hạ giá, xả hàng cuối năm”. Ngày 22-1, khảo sát tại một số tuyến phố lớn: Cầu Giấy, Kim Mã, Phố Huế, Bà Triệu… những tấm biển màu đỏ kèm dòng chữ giảm giá thực sự thu hút người mua sắm. Các cửa hàng có treo biển “giảm giá 50-80%” khách hàng đông đột biến. 

Tại một cửa hàng quần áo trên phố Phan Bội Châu (Hoàn Kiếm, Hà Nội), vài ngày trước các sản phẩm được bán với giá từ 300.000 - 1.000.000 đồng, nay giảm còn một nửa nên thu hút rất đông người đến mua. Chị Phạm Minh Hạnh (Lý Thường Kiệt, Hà Nội), nhân viên văn phòng chia sẻ, “Loay hoay trong gian hàng rộng khoảng 20m2 suốt 1 giờ đồng hồ, tôi đã chọn được đủ loại quần áo cho mình và mọi người trong gia đình. Nhãn hàng thời trang này một năm chỉ giảm giá một vài lần, ngày thường nhiều người phải cân nhắc kỹ mới dám mua. Nhờ dịp giảm giá này mà nhiều chị em công sở có thể mua được món đồ yêu thích với khả năng kinh tế cho phép”.

Bên cạnh chị Phạm Minh Hạnh, đồng nghiệp của chị cũng vừa hoàn thành việc mua sắm với túi lớn, túi nhỏ trên tay. Chị cho biết, tuần trước đã qua xem và thích 1 chiếc áo khoác nhưng giá khá cao nên còn băn khoăn. Hôm nay, giá hạ chỉ còn gần 500.000 đồng nên mua luôn. Hà Nội sắp đón đợt rét mới, chị tranh thủ sắm cho chồng, con mấy cái áo len lông cừu, vì giá rẻ chỉ bằng một nửa so với trước khi giảm giá.

Chỉ mua nếu thực sự cần

Đợt rét nhất mùa đông năm nay lại trùng với thời điểm giáp Tết, nên nhiều cửa hàng quần áo đồng loạt xả hàng. Tuy nhiên, để chọn được những sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng trong mùa mua sắm giảm giá cũng không phải điều dễ dàng. Chị Nguyễn Thanh Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, “Hôm qua tôi vừa mua hết 3,5 triệu đồng tiền quần áo giảm giá. Do mua nhanh, chọn vội nên khi về đến nhà mới phát hiện một số đồ bị lỗi. Vì hàng giảm giá không được đổi trả nên tôi đành ngậm ngùi mang đi sửa. Mang tiếng mua giảm giá 50% nhưng bỏ đi không mặc được thì tính ra còn đắt hơn mua nguyên giá”. 

Tâm lý chung của mọi người khi thấy hàng giảm giá là “rẻ quá, tội gì không mua”. Nhiều người khi đi mua hàng giảm giá nghĩ mình đã mua được món hời nhưng không ngờ vẫn bị “hớ” vì mua sắm quá tay. Trong nhiều trường hợp, mục đích tiết kiệm không đạt được mà tạo thành thói quen mua sắm lãng phí. Do đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những chương trình khuyến mãi, giảm giá “khủng”. Không nên mua một mặt hàng nào đó với số lượng quá nhiều, ngay cả khi giá của chúng có rẻ hơn bình thường 50%.

Bên cạnh những điểm xả hàng, chương trình giảm giá của các thương hiệu lớn, cửa hàng có tiếng, người tiêu dùng cũng phải thận trọng với các “chiêu trò” mượn hình thức giảm giá để bán hàng kém chất lượng. Những mặt hàng được giảm giá thường là hàng cũ, lỗi mốt hoặc tự nâng giá sản phẩm lên rồi hạ giá.