Đổ xô bán cau non sang Trung Quốc, bài học vẫn còn đó

ANTĐ - Dù chưa đến kỳ thu hoạch nhưng người dân ở huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi lại đổ xô bẻ trái cau non ồ ạt. Hiện tượng này rất bất thường bởi trong hàng chục năm qua, chưa khi nào thương lái lại thu mua cau non ồ ạt và mua với giá cao gấp 3 lần so với giá cau mọi năm.
Đổ xô bán cau non sang Trung Quốc, bài học vẫn còn đó ảnh 1

Cau được các điểm thương lái ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi thu mua

Cau non giá cao bất thường

Ông Đinh Văn Hải, ở xã Sơn Long, huyện Sơn Tây đưa cho chúng tôi xem những trái cau non được người dân hái đem đi bán. “Dù những trái cau này còn hơn 1 tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch nhưng các chủ cau ở đây đã vội vã hái xuống để gom lại bán cho thương lái. Nguyên nhân là cau non hiện nay được thương lái mua với giá cao gấp 3 lần so với cùng thời điểm này mọi năm”, ông Hải cho biết.

Hiện giá cau được thương lái thu mua tại rẫy cau của người trồng cau huyện Sơn Tây là từ 14.000 đồng đến 20.000 đồng/kg cau tươi, so với chính vụ năm ngoái, mỗi kilogam cau cao nhất chỉ bán được 5.000 đồng. Anh Đinh Văn Đơn, xã Sơn Dung, huyện  Sơn Tây cho biết: “Cau năm nay lần đầu có giá đó, nhưng cau còn nhỏ, không hái thì sau này sợ không có giá tốt như vậy nữa”.

Theo người dân ở huyện Sơn Tây, thông thường từ giữa tháng 9 hàng năm mới là vụ thu hoạch cau. Không hiểu sao từ giữa tháng 8 đến nay, thương lái đã về tận vùng cao thuyết phục bà con hái cau non bán cho họ. Nhiều điểm đặt bảng giá thu mua cau dọc theo tuyến đường từ huyện Sơn Hà về Sơn Tây. Các thương lái còn đi xe máy về tận các làng vùng cao Quảng Ngãi thu mua cau non. 

Theo ông Đinh Văn Ơn, Chủ tịch UBND xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây, trên địa bàn xã Sơn Tân có ít nhất 3 cơ sở đại lý thu mua và hấp khô cau. Mỗi ngày, mỗi vựa cau mua được khoảng 1,5 tấn. Tại các cơ sở, trái cau được cắt rời từng quả đóng vào thùng hoặc để nguyên buồng rồi chất lên ô tô chuyển đi Trung Quốc. 

Lợi trước mắt, thiệt lâu dài

Chủ tịch xã Sơn Tân Đinh Văn Ơn phân tích: “Tình trạng tận thu cau non nếu xét về trước mắt thì lợi cho người dân nhưng về lâu dài sẽ xảy ra tình trạng vài tháng sau không còn cau để phục vụ cho nhu cầu hàng ngày hoặc mùa cưới hỏi. Ngoài ra, một số nhà vườn trồng cây khác như sắn, chuối hiện đang bị thua lỗ thấy cau được giá nên có thể người dân sẽ chặt cây sắn, chuối để trồng cau. Do vậy, người dân cần tỉnh táo không chạy theo lợi ích trước mắt mà chặt hạ những cây trồng hiện có để trồng cau”.

Toàn huyện Sơn Tây hiện trồng khoảng hơn 1.400ha cau. Nhiều tư thương nói rằng cau này sẽ được thu mua, lựa, sấy… rồi bán sang Trung Quốc. Hiện tượng này xuất hiện lẻ tẻ vài năm trước nhưng năm nay là lần đầu tiên cau non ở địa phương này được thương lái ồ ạt thu mua khi chưa đến kỳ thu hoạch. Tuy giá cao nhưng cau còn nhỏ nên người dân cũng không thu lợi được nhiều, nhất là những người quá nóng vội thu hái những buồng cau còn quá non để bán. Xã Sơn Dung trồng nhiều cau nhất huyện Sơn Tây.

Toàn xã còn khoảng 60ha cau lâu năm, hộ trồng ít nhất vài trăm cây, nhiều nhất 6.000 cây. Những năm trước do giá cau rẻ, nhiều hộ dân chặt bỏ bớt để trồng cây keo, sắn.... Bà  Nguyễn Thị Kim Ánh, chủ lò hấp cau xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây cho biết: “Năm nay Trung Quốc mua sớm nhưng cau nhỏ quá nên dân cũng thiệt. Tôi mua đem sấy rồi bán đi Trung Quốc, nói chung bây giờ giá cao nhưng không biết sau này giá cả sẽ như thế nào”.

 

Trong thời gian qua, không chỉ có cau mà nhiều loại cây trồng khác của nông dân ở hầu hết các địa phương trong cả nước cũng đều xuất hiện hiện tượng thương lái thu mua ồ ạt để xuất sang Trung Quốc nhưng lại không bền vững. Khi Trung Quốc ngừng mua thì dẫn tới nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh điêu đứng.

Do vậy, việc thương lái thu hoạch cau non ồ ạt của người dân ở huyện Sơn Tây cũng cần được cân nhắc, định hướng để người trồng cau nơi đây không bị thiệt hại. Chính quyền huyện Sơn Tây đã yêu cầu các cơ quan chức năng tuyên truyền cho người dân hiểu được thủ đoạn của thương lái, đề cao cảnh giác và không tiếp tay cho hoạt động mua bán bất thường làm ảnh hưởng đến sản xuất.