Đồ trang sức Mỹ Ký đã ra đời ở Hà Nội như thế nào?

ANTD.VN - Từ cổ xưa, phụ nữ Việt Nam đã đeo đồ đeo trang sức, chứng cứ là khi khai quật di chỉ văn hóa Đông Sơn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy trâm cài tóc, vòng, khuyên tai bằng đồng khá tinh xảo. Những đồ trang sức này không chỉ làm duyên, chứng tỏ quyền lực của người phụ nữ mà còn có yếu tố tín ngưỡng rồi trở thành tục lệ.

1. Xưa, khi sinh con gái, chờ cho bé lên 2 - 3 tuổi, cha mẹ sẽ nhờ người mát tay trong làng, trong phố xâu lỗ tai. Khi xâu xong, họ sẽ luồn vào đó sợi chỉ hoặc cọng chiếu để lỗ xâu thành sẹo. Gia đình nào có điều kiện sẽ mua cho bé gái đôi hoa tai nhỏ xinh bằng vàng hay bạc. Xưa đồng bằng Bắc bộ rất  trũng, lại nhiều hồ ao, nghĩa địa luôn bị ngập nước đã trở thành nơi sinh sống của đỉa, cá trê… những con vật có thể sống tốt ở nơi yếm khí. Theo quan niệm phổ biến ở  vùng đồng bằng Bắc bộ lưu truyền cho đến ngày nay thì đeo hoa tai hay vòng để khi chết đỉa không cắn vào vành tai. Vì con đỉa sợ kim loại. Thế nên khi nguời phụ nữ chết, nhiều gia đình cứ để nguyên đôi khuyên, nếu người đó không có thì gia đình sẽ bỏ đôi hoa tai bằng đồng vào trong áo quan. 

Đồ trang sức Mỹ Ký đã ra đời ở Hà Nội như thế nào? ảnh 1Một cửa hiệu bán đồ trang sức ở Hà Nội thời xưa

Kể từ khi Đại Việt ra đời cho đến thế kỷ 20, đeo xà tích bạc, vòng, dây chuyền, hoa tai, nhẫn chỉ có vợ, con quan hoặc phụ nữ thượng lưu, giàu có trong xã hội vì vàng bạc vừa hiếm vừa đắt. Và cùng với tục lệ, những thứ đó cũng để làm duyên nên nó được gọi là đồ trang sức. Phụ nữ đeo trang sức còn để thể hiện  đẳng cấp của họ trong xã hội. Đến đầu thế kỷ 20, xã hội đã thay đổi, kinh tế  phát triển hơn trước, nhưng đôi hoa tai, chiếc nhẫn vàng vẫn là khát khao của các cô gái con nhà nghèo. Hiểu được tục lệ và khát khao đó, một người Pháp đã sáng chế ra đồ trang sức bằng đồng, nhôm, đó là Rolandes - kỹ sư trong quân đội Pháp.

2. Rolandes tốt nghiệp ngành hóa Trường Đại học Bách khoa Pháp (École PolyTechnique) năm 1910. Sau khi cầm tấm bằng kỹ sư, Rolandes gia nhập quân đội, được đưa sang Annam về đơn vị kỹ thuật thuộc Bộ Tham mưu quân đội Pháp ở Bắc Kỳ. Giai đoạn đó, an ninh ở Bắc Kỳ tương đối yên ổn nên viên sỹ quan trẻ thường la cà các phố nghề ở Hà Nội, anh ta dành nhiều thời gian xem thợ ở phố Hàng Bạc chế tác trang sức. Và ở đây anh  quen một cô gái tên là Nguyễn Thị Khang. Rồi tình cảm giữa hai người lớn dần, Rolandes quyết định cưới Khang làm vợ. Khi Rolandes bàn với vợ sẽ chế tác ra đồ trang sức không cần vàng, bạc thì cô Khang - vốn là phụ nữ nhanh nhạy trong kinh doanh - đã gật đầu đồng ý. Nhờ có thời gian la cà ở phố Hàng Bạc, lại có kiến thức vững chắc về cơ khí, hóa học nên  Rolandes dễ dàng biến đồng, nhôm thành nhẫn, vòng đeo tay, hoa tai, dây chuyền. Anh ta lại nhờ bạn bè bên Pháp gửi cho hóa chất cần thiết để nhuộm những sản phẩm đó có màu giống như vàng. Sản phẩm ra đời, vợ chồng Rolandes đăng ký với chính quyền là đồ Mỹ Ký và mở cửa hàng ở 118 Hàng Bông. Biển hiệu cửa hàng cũng được đặt cái tên khá ngộ nghĩnh là Mic-Ky, cũng na ná cái tên Mỹ Ký tiếng Việt. 

Đồ trang sức Mỹ Ký đã ra đời ở Hà Nội như thế nào? ảnh 2Xưởng làm đồ trang sức ở phố Hàng Bạc

3. Ban đầu đồ trang sức “giả”của Mỹ Ký bán chậm do quan niệm “có tiền thì mua đồ thật, đeo đồ Mỹ Ký thiên hạ cười cho”. Nhưng  sở thích làm duyên làm dáng của phụ nữ nghèo đã chiến thắng thói sỹ diện, vì thế đồ trang sức “giả” của vợ chồng Rolandes bán ngày càng chạy. Dần dần cái tên Mỹ Ký không chỉ được biết đến ở Hà Nội mà đàn bà, con gái ở nhiều vùng quê cũng biết tiếng. Công việc làm ăn ngày càng tiến triển thì năm 1915 Thế chiến I nổ ra, Rolandes phải trở về nước Pháp chiến đấu. Chiến tranh kết thúc, cô Khang chờ ngày đón chồng quay lại Annam, nhưng anh ta vẫn bóng chim tăm cá trong khi công việc sản xuất  ngổn ngang. Rồi không thể chờ được nữa, cô Khang lấy một Hoa kiều tên là Liu Man Sao quê Phúc Kiến. Nhờ vốn của anh chồng mới, đầu năm 1920, họ mua đất ở cuối phố Bạch Mai (gần chợ Mơ) mở rộng xưởng sản xuất, thuê thêm thợ, con ngõ nhỏ lầy lội đông đúc hẳn lên và dân phố Bạch Mai gọi ngõ đó là ngõ Mỹ Ký. 

Lợi dụng việc Mỹ Ký dùng đồng làm nhẫn, một số thợ kim hoàn đã chơi trò lừa lọc, họ bọc vàng thật bên ngoài chiếc nhẫn bằng đồng rồi mang về bán ở các chợ quê. Chuyện chỉ vỡ lở khi có người cần tiền mang bán nhẫn cho hiệu vàng, từ đó các hiệu kim hoàn không thử vàng bằng cách vạch một vệt trên mặt đá mà thay bằng đèn khò để phát hiện lõi nhẫn bằng vàng hay đồng. Và cũng trong thập niên 30, Hà Nội xuất hiện vài  cơ sở làm đồ trang sức bằng đồng, nhôm nên cơ sở Mỹ Ký cũng bị chìm đi, tuy nhiên cái tên Mỹ Ký được dùng để chỉ đồ trang sức giả vàng, bạc. 

Ngày nay khoa học kỹ thuật phát triển, các cơ sở làm đồ Mỹ Ký đã sử dụng nhiều nguyên liệu khác nhau. Cũng nhờ công nghệ mới nên đồ Mỹ Ký phong phú hơn với nhiều kiểu dáng độc, lạ mắt.