Đỗ tốt nghiệp THPT 100%?

ANTĐ - Đây là tỷ lệ dự đoán của PGS Văn Như Cương được đưa ra trên trang cá nhân của PGS trước những thay đổi về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Bên cạnh đó, việc thích ứng với những điểm mới của kỳ thi này cũng đang còn nhiều bàn cãi. 

Học sinh mừng, giáo viên lo học sinh bỏ môn không thi

Môn Lịch sử sẽ bị “bỏ rơi”

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, các trường THPT đã bắt đầu có kế hoạch chuẩn bị cho kỳ thi này. PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho biết, ngày 25-2 trường đã tổ chức cho học sinh đăng ký môn thi tự chọn để tổng hợp về hướng lựa chọn môn thi của học sinh. Cũng theo PGS Văn Như Cương, dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng chắc chắn học sinh sẽ lựa chọn các môn thi theo khối thi đại học. Từ thực tế nắm bắt tâm lý học sinh, PGS Văn Như Cương đánh giá: “Môn Lịch sử có lẽ sẽ rất ít em lựa chọn”. Với cách thức thi như năm nay, PGS Văn Như Cương còn tự đưa ra dự đoán là 100%. “Chính xác hơn là 99,9 % … Cuối tháng 6 này, xin các bạn xem kết quả Bộ GD-ĐT công bố để xem tôi có nên nhận danh hiệu “chuyên gia dự đoán” hay không nhé” – PGS hóm hỉnh nhận định.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội, có những môn rất đông học sinh lựa chọn, đồng thời sẽ có môn rất ít học sinh đăng ký. Chính vì vậy, việc bố trí giáo viên, phòng học sẽ khó khăn cho nhiều trường. 

Trước khả năng sẽ có những môn bị học sinh bỏ bê, trong đó đặc biệt là môn Lịch sử, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết: “Năm nay chúng ta sử dụng kết quả đánh giá tốt nghiệp theo cả quá trình học 3 năm THPT, vì vậy để có kết quả tốt thì học sinh không thể lơ là 3 năm học tất cả các môn khác. Xét ở bình diện quốc gia, chúng ta có 6 môn tự chọn, nhiều hơn so với trước (chỉ có 2 hoặc 3 môn do Bộ chỉ định). Nhìn về tổng thể thì học sinh sẽ phát huy được năng lực của mình nhiều hơn là học lệch”.

Dồn 8 môn thi trong 2 ngày

Một trong những điểm khiến nhiều phụ huynh học sinh thắc mắc đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là việc có tới 8 môn thi nhưng chỉ tổ chức trong 2 ngày thì sẽ bố trí như thế nào cho hợp lý. Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh cho biết, Bộ GD-ĐT dự kiến, buổi sáng đầu tiên sẽ thi môn Văn, Hóa, buổi chiều thi môn Sử, Vật lý; hôm sau sáng thi Toán, Ngoại ngữ, chiều thi Sinh học và Địa lý. Việc xen kẽ các môn tự nhiên và xã hội sẽ giúp giảm tới mức thấp nhất khả năng một thí sinh có thể phải thi hai ca liên tục.

“Theo lịch thi của Bộ, thời gian thi được ấn định từ ngày 2 đến 4 - 6, trong đó ngày 2-6 là làm thủ tục thi. Chúng ta vẫn giữ nguyên các môn Toán, Văn, Lịch sử, Địa lý thi tự luận, còn Hóa, Sinh, Vật lý vẫn thi trắc nghiệm. Riêng Ngoại ngữ hướng dần tới đánh giá những kỹ năng hoàn chỉnh, vì vậy năm nay sẽ có thêm phần tự luận. Về cách thức tổ chức thi, mỗi thí sinh sẽ có một số báo danh duy nhất trong suốt kỳ thi, phòng thi sẽ được viết theo môn, trong mỗi ca thi chỉ có duy nhất một môn thi” – ông Mai Văn Trinh chia sẻ.

Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo quy chế thi tốt nghiệp và sau đó sẽ có hướng dẫn tổ chức thi cụ thể để các địa phương thực hiện. Dự kiến, có thể Bộ GD-ĐT sẽ cho phép học sinh được thay đổi môn thi tự chọn một lần trước khi chính thức bước vào kỳ thi.