Đỡ thiệt cho dân

ANTĐ - Có lẽ cho đến thời điểm này, cơ chế, chính sách thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị thu hồi đất luôn gây bức xúc nhất trong dư luận xã hội. Bằng chứng là các vụ khiếu nại, khiếu kiện về đất đai chiếm đến gần 70% tổng số vụ. Nhìn lại quá trình thu hồi, đền bù, giải tỏa đất đai, tìm giải pháp để  đảm bảo lợi ích cho người dân đỡ thiệt thòi nhất là tại các đô thị như Hà Nội, TP.HCM, đã có khá nhiều chuyên gia hiến kế.

Một trong những đề xuất đang thu hút sự quan tâm, là chính quyền thành phố nên ứng một số tiền để di dời dân, giải phóng mặt bằng sau đó mời nhà đầu tư đấu giá quyền sử dụng đất. Nhà nước trừ các chi phí, trừ tiền tạm ứng di dời, tái định cư và thu thuế trên tổng số tiền đấu giá phần chênh lệch còn lại chia cho dân. Cơ sở pháp lý cho cách làm này đã có, TP Đà Nẵng đã thực hiện thành công, vì sao đến nay chưa làm đại trà được?

Một chuyên gia có uy tín, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường cho rằng, các quy định về Luật Đất đai và nghị định hướng dẫn thi hành cũng như cơ chế nhà đầu tư tự thương thảo với người dân đang sử dụng đất thì nước ta đã khá đầy đủ. Vậy tại sao chỉ có Đà Nẵng chọn cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch triển khai? Đà Nẵng đã khá thành công trong quy hoạch lại toàn bộ thành phố mà người dân khiếu kiện rất ít. Trong cuộc đối thoại giữa Chính phủ và các nhóm nhà tài trợ quốc tế, các chuyên gia trong nước và nước ngoài đã chỉ ra cơ chế Nhà nước thu hồi đất theo dự án đầu tư dẫn đến nguy cơ tham nhũng lớn trong tất cả các khâu của quy trình, thủ tục thực hiện.

Câu hỏi đặt ra: Vì sao Nhà nước thu hồi đất theo quy định được thực hiện thành công ở Đà Nẵng mà nhiều địa phương khác không làm được? Theo vị chuyên gia, trước hết vì Đà Nẵng khắc phục được việc không có cơ chế xuất vốn trước từ ngân sách Nhà nước bằng cách tạo tư tưởng quan điểm đồng thuận trong lãnh đạo địa phương từ Đảng bộ thành phố, HĐND, UBND là lấy nguồn từ Kho bạc Nhà nước thành phố để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Tiền thu được từ đấu giá sẽ hoàn trả lại kho bạc với một cơ chế minh bạch. Lý do thứ hai là tình trạng nhà đầu tư không quan tâm tới đất thu hồi và lợi thế ưu đãi đầu tư thì được khắc phục bằng cách nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị. Ai đến Đà Nẵng cũng phải công nhận quy hoạch hợp lý.

Kinh nghiệm ở đây cho thấy; muốn thực hiện cơ chế thu hồi đất theo quy hoạch không nên dựa hẳn vào nguồn tiền bạc của chủ đầu tư để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chính quyền địa phương phải chủ động, phải “nắm đằng chuôi” quỹ đất. “Trung tâm” của bức xúc hiện nay chính là vấn đề xác định giá đất để tính tiền bồi thường còn thiếu minh bạch. Nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng, khó có thể xác định được giá đất phù hợp thị trường. Nên hiểu một cách giản dị rằng giá trị tiền bồi thường, hỗ trợ là phù hợp với thị trường, nếu có thể dùng giá trị đó để nhận chuyển nhượng một thửa đất có điều kiện tương tự tại thời điểm.

Theo khảo sát của các chuyên gia có tới 95% người dân bị thu hồi đất cho rằng, giá trị bồi thường hỗ trợ không đủ để nhận chuyển nhượng một thửa đất tương tự và trên 80% cho rằng thiếu rất nhiều. Rõ ràng xác định sòng phẳng, minh bạch về giá trị trong quá trình chuyển dịch đất đai từ người dân sang nhà đầu tư là cốt lõi của mọi bức xúc. Làm cách nào để giá trị này thể hiện được “nguyên hình” trên thực tế, đỡ thiệt thòi cho người dân bị thu hồi đất.