Đô thị Việt Nam: Bức tranh ảm đạm!

(ANTĐ) - Ngày 11-5, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Quy hoạch và quản lý môi trường đô thị ở Việt Nam”. Tại hội thảo, lãnh đạo đô thị các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và các chuyên gia trong, ngoài nước thuộc lĩnh vực quy hoạch, môi trường đã tập trung mổ xẻ những yếu kém của hệ thống đô thị Việt Nam.

Đô thị Việt Nam: Bức tranh ảm đạm!

(ANTĐ) - Ngày 11-5, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Quy hoạch và quản lý môi trường đô thị ở Việt Nam”. Tại hội thảo, lãnh đạo đô thị các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và các chuyên gia trong, ngoài nước thuộc lĩnh vực quy hoạch, môi trường đã tập trung mổ xẻ những yếu kém của hệ thống đô thị Việt Nam.

Ô nhiễm tràn lan

Hầu hết các đô thị VN đang ô nhiễm không khí nặng
Hầu hết các đô thị VN đang ô nhiễm không khí nặng

Theo PSG.TS Vũ Thị Vinh - Phó Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, tại các đô thị Việt Nam, kinh tế tăng trưởng nhanh và bùng nổ dân số đã khiến môi trường bị xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm còn trở nên tệ hại hơn bởi phát triển thiếu quy hoạch, thậm chí là không được kiểm soát. Theo bà Vũ Thị Vinh, môi trường suy giảm nghiêm trọng thể hiện ở chỗ các đô thị đều thiếu các dịch vụ cơ bản như nhà ở, nước sạch, điện, thoát nước, giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm không khí... “Chẳng hạn, chất lượng nước ở các đô thị không đủ đáp ứng nhu cầu nếu không nói là chất lượng kém.

Thật khôi hài là trong khi nước sinh hoạt không đủ cấp cho nhân dân thì tỷ lệ thất thoát, thất thu nước lại quá lớn (có nơi lên tới 45%). Đã vậy, nước mặt và nước ngầm (như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) còn bị ô nhiễm và suy giảm do khai thác bừa bãi...” - bà Vũ Thị Vinh nói.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, để xảy ra tình trạng trên là do cơ sở hạ tầng của đô thị Việt Nam còn yếu kém. Trong khi đó, năng lực quản lý của chính quyền đô thị lại hạn chế và nhận thức của cộng đồng cũng ở mức thấp. Các chuyên gia nhìn nhận, để “cứu” môi trường đô thị trong tương lai, cần sự phối hợp từ 3 phía: chính quyền đô thị, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

 Trong đó, vai trò của chính quyền rất quan trọng thông qua việc hoạch định chiến lước phát triển đô thị cũng như huy động các thành phần khác tham gia. “Có nhiều công cụ kinh tế để giảm ô nhiễm môi trường đô thị như thuế, các loại phí, hoạt động cấp phép... Ví dụ, việc thu phí là lệ phí môi trường sẽ dựa trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Theo đó, sẽ nảy sinh rất nhiều loại phí như phí ô nhiễm không khí, phí nước thải, phí vệ sinh...” - PSG.TS Vũ Thị Vinh nêu ý kiến.

Nhà xây không phép, đất nhảy dù!

Các đô thị Việt Nam đang rất lúng túng trong việc xây dựng mô hình quản lý đất đai, trật tự xây dựng... Nghiên cứu điểm của TS Nguyễn Quang (UN-Habitat) tại phường Hạ Đình, Thanh Xuân (Hà Nội) đã minh họa rõ nét cho tình trạng này. Theo nghiên cứu này, trong vòng 15 năm gần đây, giá đất ở khu vực này đã tăng tới 13 lần. Trong khi đó, tình trạng xây dựng không phép khá tràn lan, nhà ở xây dựng lộn xộn do công tác quy hoạch và quản lý bị buông lỏng.

Các hoạt động xây dựng dạng này đã gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường sống. Nghiên cứu cũng báo động tình trạng gia tăng các trường hợp định cư “nhảy dù” do quản lý Nhà nước về đất đai yếu kém. “Cả người giàu và người nghèo đều nhảy dù đất. Nhiều trường hợp mua bán trao tay có chứng thực của chính quyền địa phương” – TS  Nguyễn Quang nói.

Để hạn chế, tiến tới xóa bỏ những bức xúc trong quản lý đô thị, các chuyên gia và lãnh đạo địa phương đều cho rằng, cần xây dựng được quy hoạch khả thi và thực hiện tốt việc quản lý theo quy hoạch. TS  Nguyễn Quang cũng cho rằng, phải tăng cường kiểm soát phát triển theo quy hoạch, tạo điều kiện cho địa phương đóng vai trò chủ yếu trong quy trình quy hoạch, từng bước Luật hóa các quy hoạch mang tính bắt buộc... Tuy nhiên, theo ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, tư duy quy hoạch tại các đô thị hiện nay vẫn còn nặng ảnh hưởng bởi kinh tế kế hoạch hóa.

 Đáng buồn hơn, ông Lawrie Wilson (World Bank) cho biết: “Tôi không thấy có bằng chứng nào thể hiện Bộ Xây dựng đang thực hiện một chương trình cải cách cơ chế hành chính và quản lý cần thiết để chuẩn bị các quy hoạch không gian liên quan đến phát triển trong các điều kiện của nền kinh tế thị trường, hoặc cho việc đánh giá các khía cạnh quy hoạch vật chất của các đề án đầu tư”.

Chính Trung