Đô thị Hà Nội tiếp tục mở rộng

ANTĐ - Hôm qua, 4-7, tại hội nghị lần thứ 9 BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XV, Thành ủy đã thảo luận về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Đây được xem là định hướng chung về hình ảnh Hà Nội trong 10 năm tới.

Công tác cải cách hành chính sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nâng cao hiệu lực,

 hiệu quả của bộ máy chính quyền

Thành ủy Hà Nội cho biết, trong khoảng 10 năm tới, Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế có nền kinh tế phát triển toàn diện, bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh tiếp tục được củng cố tăng cường. Hà Nội sẽ thực sự là địa phương đi đầu, về đích sớm 1-2 năm trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Đi vào các chỉ tiêu cụ thể, Thành ủy đề ra, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2020 sẽ phấn đấu đạt 11,5-12%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 7.100-7.500USD/năm. Hà Nội sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp. Dịch vụ chất lượng cao đóng vai trò trọng yếu trong cơ cấu kinh tế của thành phố. Diện tích nhà ở đạt 25-30 m2/người, diện tích cây xanh đạt 10-12 m2/người. Vận tải hành khách công cộng đáp ứng 35-45% nhu cầu đi lại của người dân... Đô thị trung tâm Hà Nội sẽ phát triển mở rộng từ nội đô về phía tây, nam đến đường vành đai 4; phía bắc đến Mê Linh, Đông Anh; phía đông tới Gia Lâm, Long Biên. Phần cũ của Hà Nội giữ quy mô dân số vừa phải, không để mật độ quá lớn. Đến năm 2020, các tuyến vành đai I-II và III đều phải hoàn thành.

Về nguồn lực, bản kế hoạch đưa ra con số tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội từ 2011 - 2015 dự kiến 69-70 tỷ USD và 5 năm tiếp theo (2016-2020) cần khoảng 110-120 tỷ USD. Đánh giá “yêu cầu nguồn lực như trên là rất lớn”, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho rằng, Hà Nội cần những giải pháp tổng thể nhằm “trải thảm đỏ thực sự” để thu hút đầu tư.

Từ góc nhìn khác, Bí thư Quận ủy Long Biên, ông Vũ Đức Bảo cho rằng: “Chúng tôi không sợ thiếu nguồn lực. Cái mắc ở đây là cơ chế, chính sách để khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có”. Ông Vũ Đức Bảo nói: “Nhiều cơ chế, chính sách hiện nay đã lạc hậu, cần sớm nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, cập nhật. Chẳng hạn, trong đầu tư hạ tầng đô thị, nếu cứ giữ cơ chế hiện nay thì rất mắc, nhiều dự án đang bị chững lại...”.

Góp ý vào bản kế hoạch, một số ý kiến dẫn chiếu tình hình hiện tại để nói rằng, các chỉ tiêu đặt ra là rất cao. Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Triệu Đình Phúc đề nghị xem lại chỉ tiêu về diện tích nhà ở để “hạn chế tình trạng phát triển đô thị tràn lan, theo kiểu phong trào”. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Thắng nhìn nhận, con số GDP bình quân 11,5-12%/năm trong 10 năm tới là quá cao. Ông nói: “Doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn. Làm ăn càng lớn càng khó. Số DN phải đóng cửa, thua lỗ rất lớn. GDP cả nước cũng giảm. Sắp tới có khi còn giảm nữa. Tín hiệu phục hồi hiện nay cũng chưa rõ. Thế nên, 2-3 năm tới chắc vẫn còn khó khăn, GDP rất khó có đột phá vì DN đã gần như  kiệt quệ. Tôi đề nghị cân nhắc lại con số 11,5-12%/năm”.

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, cần đặc biệt quan tâm một số giải pháp có tính nòng cốt như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động; khai thác và phát huy có hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Thủ đô trong những năm tới. 

Bên cạnh đó, phải hết sức coi trọng phát huy nhân tố con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đi đôi với tăng cường xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Chúng ta cần thực hiện tốt hơn nữa cải cách hành chính, nếu không sẽ là lực cản rất lớn, làm chậm quá trình phát triển của Thủ đô”. Đồng chí cũng yêu cầu thành phố cần phát huy tính chủ động, tích cực trong triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị. Đồng thời, phải coi trọng việc tranh thủ và phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Cùng với đó, phải nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế điều phối chung giữa các ngành, lĩnh vực, các tỉnh, thành trong cả nước cùng tham gia xây dựng, phát triển Thủ đô.