Chung kết "Hoa hậu Việt Nam 2016":

Đỗ Mỹ Linh đăng quang "Hoa hậu Việt Nam 2016"

ANTD.VN - Vương miện “Hoa hậu Việt Nam 2016” đã có chủ với việc người đẹp Đỗ Mỹ Linh đã được xướng tên trong giây phút quan trọng nhất của đêm chung kết cuộc thi vừa khép lại tối 28-8 tại TPHCM. 

Tuy được nhiều người dự đoán là ứng cử viên số 1 cho ngôi vị Hoa hậu song thí sinh Huỳnh Thị Thùy Dung đến từ TPHCM chỉ dừng lại ở danh hiệu Á hậu 2, còn Á hậu 1 cuộc thi thuộc về người đẹp Ngô Thanh Thanh Tú – em gái của Á hậu Ngô Trà My.

Kết quả cuối cùng, chủ nhân của chiếc vương miện “Hoa hậu Việt Nam 2016” đã thuộc về người đẹp đến từ Hà Nội - Đỗ Mỹ Linh.

Cô cao 1,71 m, nặng 52 kg, số đo ba vòng 87-61-94 cm. Cô sở hữu gương mặt xinh đẹp và sáng sân khấu. Ngoài đời, cô sinh viên Đại học Ngoại thương Hà Nội được yêu mến với giọng hát hay và tính tình hoạt bát, năng nổ. Cô từng tham gia Hoa hậu Hoàn vũ 2015 và dừng lại ở top 15.

Thay vì công bố cùng lúc Top 5 người đẹp lọt vào phần thi ứng xử và sau đó, từng người đẹp lần lượt bốc thăm và trả lời câu hỏi của mình, đêm chung kết “Hoa hậu Việt Nam 2016” đã có sự đổi mới hình thức ở phần thi này. Theo đó, từng thí sinh lọt vào Top 5 sau khi được MC xướng tên sẽ bốc thăm và trả lời luôn câu hỏi ứng xử của mình. 

Phạm Thủy Tiên là thí sinh đầu tiên giành vé lọt vào Top 5 chung cuộc nhờ đạt giải “Người đẹp Nhân ái” – giải thưởng phụ lần đầu tiên được Ban tổ chức “Hoa hậu Việt Nam” tổ chức thông qua việc thực hiện một loạt các chương trình từ thiện xã hội, các dự án vì cộng đồng để tìm ra người đẹp có trái tim và tấm lòng nhân hậu.

Trước đó, Phạm Thủy Tiên cũng được đánh giá là một trong những gương mặt sáng giá trong Top 30 người đẹp góp mặt tại đêm chung kết cuộc thi. Ngoài việc sở hữu gương mặt với đường nét hiện đại thường khiến cô bị mọi người nhầm là “con lai”, Thủy Tiên còn gây ấn tượng với thành tích học tập đáng nể với việc từng đạt điểm 950/990 trong kỳ thi TOEIC và có thể giao tiếp thông thạo cùng lúc 2 ngoại ngữ Anh – Pháp. Nhờ thành tích học tập này mà nữ sinh trường Đại học Ngoại thương Hà Nội từng là một trong số những sinh viên được vinh dự gặp Tổng thống Mỹ – Barack Obama trong chuyến công du của ông tại Hà Nội vào tháng 5 vừa qua.

4 người đẹp giành vé lọt vào phần thi ứng xử còn lại gồm: Huỳnh Thị Thùy Dung, Đào Thị Hà, Đỗ Mỹ Linh và Ngô Thanh Thanh Tú. Kết quả Top 5 không quá bất ngờ bởi các thí sinh được chọn vào Top quan trọng này trước đó đều nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn và được dư luận đặt nhiều kỳ vọng.

Ở phần thi của Phạm Thủy Tiên, cô nhận được câu hỏi: "Làm sao để trong thời đại toàn cầu hóa, người con gái Việt Nam vừa có thể hội nhập mà vẫn giữ được nét riêng?” và đã hoàn thành phần thi ứng xử của mình bằng câu trả lời: "Mọi vấn đề đều có mặt tích cực – tiêu cực, mình nên phát huy những điều tích cực, giảm thiểu tiêu cực. Điều cốt lõi là hãy lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc".

Với người đẹp Huỳnh Thị Thùy Dung, cô nhận được câu hỏi liệu cuộc thi Hoa hậu có phải là bước khởi nghiệp của các thí sinh không và đã có câu trả lời ngắn gọn rằng: “Dù có đạt danh hiệu hay không cũng chính là cơ hội để các thí sinh có thể thể hiện, chứng tỏ bản thân mình trong cuộc sống”.

Còn thí sinh Đỗ Mỹ Linh nhận được câu hỏi: “Nhiều bạn trẻ lấy việc làm việc hết mình, hưởng thụ tối đa làm phương châm sống. Bạn có đồng tình với phương châm đó không?” và đã trả lời: “Tôi băn khoăn với chữ hưởng thụ, nếu có thể tôi muốn thay bằng tận hưởng. Bởi khi mình đã làm hết mình, mình xứng đáng có kết quả để tận hưởng công việc mình đã làm”.

Thí sinh Đào Thị Hà tỏ ra khá run khi bốc thăm trúng câu hỏi: “Nếu trở thành Hoa hậu Việt Nam, bạn làm gì để không bị chìm giữa các Hoa hậu của nhiều cuộc thi sắc đẹp khác”. Tuy nhiên sau một vài giây mất bình tĩnh, cô đã tự tin trả lời: “Vương miện này mọi người đều mong muốn đạt được. Nếu trở thành Hoa hậu Việt Nam, tôi sẽ làm những gì tốt nhất, xứng đáng với ngôi vị của mình, xứng đáng với những gì mọi người trao cho tôi hôm nay”.

Người đẹp cuối cùng bước vào phần thi ứng xử là Ngô Thanh Thanh Tú nhận được hỏi: "Cuộc đời không dài, tại sao người ta cứ phải lao động vất vả mà không hưởng cuộc sống an nhàn?” và đã trả lời: "Bản chất cuộc sống là luôn vận động. Nếu không lao động mỗi con người sẽ bị tụt lùi, đào thải. Hơn nữa, mỗi người còn có gia đình, xã hội cần phải có trách nhiệm, vì thế họ cần lao động để đóng góp cho gia đình, xã hội”.