“Đỏ mắt” chờ giá xăng giảm

(ANTĐ) - Kể từ cuối tháng 4-2011, giá dầu trên thị trường thế giới đã giảm và hiện ổn định ở mức dưới 100 USD/thùng, giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore hiện tại chỉ ở mức 109,99 USD/thùng. Đây là cơ sở để người tiêu dùng trông chờ giá bán lẻ xăng dầu sẽ giảm.

Cần có một cơ quan độc lập kiểm tra độ chính xác thông tin mà các doanh nghiệp xăng dầu đưa ra


Tăng nhanh, giảm… chưa động đậy

Theo bản tin thị trường xăng dầu số 31-6-2011 của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), giá dầu thô WTI bình quân nửa đầu tháng 6-2011 là 99,31 USD/thùng, giảm 4,08 USD/thùng so với cùng kỳ tháng 5-2011 và giá xăng cũng giảm theo chiều hướng của giá dầu thô. Giá xăng RON 92 tại thị trường

Singapore ngày 27-6-2011 được công bố trên website của Petrolimex là 109,99 USD/thùng.

Tuy nhiên, từ thời điểm tăng giá xăng dầu ngày 29-3 cho đến nay, bản tin giá cơ sở (bao gồm các yếu tố cấu thành giá cơ sở như giá thế giới, thuế, phí, tỷ giá… để so sánh với giá bán lẻ) không còn xuất hiện trên

website của doanh nghiệp này. Người tiêu dùng đang đặt câu hỏi, tại sao khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng thì doanh nghiệp đưa ra bảng công bố giá cơ sở để “than thở” rằng giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở, còn khi giá trên thị trường thế giới giảm lại không công bố để mọi người dân được biết và so sánh?

Ngày 9-6, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu từ 0% lên 5% đối với diezel và dầu hỏa; đồng thời trích Quỹ bình ổn 100 đồng/lít đối với xăng, thay vì điều chỉnh giảm giá bán. Bộ Tài chính cho biết, từ cuối tháng 5-2011 đến 9-6, giá xăng dầu thị trường thế giới có lúc tăng, lúc giảm nhưng chưa rõ xu hướng biến động. Việc tăng thuế nhập khẩu là để có công cụ thực hiện bình ổn giá xăng dầu nếu giá thế giới tăng trở lại, đồng thời để có nguồn kinh phí thực hiện các giải pháp an sinh xã hội.

Theo tính toán của các chuyên gia, kể cả sau khi điều chỉnh thuế nhập khẩu và tăng định mức Qũy bình ổn thì doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đang có lãi ngoài định mức khoảng 300 đồng/lít. Ông Đỗ Văn Phát (Thanh Xuân - Hà Nội) thắc mắc: “Khi giá xăng dầu thế giới tăng thì các doanh nghiệp nhanh chóng đề nghị tăng giá, nhưng khi giá thế giới giảm, tỷ giá cũng giảm và ổn định lại không thấy động tĩnh gì về việc giảm giá xăng dầu”. Đây cũng là thắc mắc của hàng triệu người tiêu dùng.  

Giải quyết vấn đề niềm tin

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: “Nghị định 84 đã quy định về các khoản thu trong giá cơ sở, như vậy các khoản này là minh bạch. Nhưng không ai kiểm tra được giá nhập (giá gốc), doanh nghiệp nói sao thì biết vậy. Liên quan tới giá nhập khẩu, mỗi đầu mối có thể có nguồn nhập khác nhau nên giá nhập khác nhau. Do đó, ngoài Petrolimex công bố giá cơ sở thì các đầu mối khác cũng phải đưa ra mới có thể so sánh xem doanh nghiệp nào hoạt động hiệu quả hay không hiệu quả ít nhất từ khâu xác định thị trường và giá nhập”.

Ông Ánh phân tích, nhiệm vụ này được giao cho liên Bộ Tài chính - Công Thương. Nhưng xét về mặt niềm tin của người tiêu dùng vào chuyện giá bán lẻ xăng dầu đúng hay sai thì người dân không còn đủ niềm tin, vì ở đây có xung đột lợi ích. Do đó, mới có ý kiến là cần có một cơ quan độc lập để kiểm tra độ chính xác của thông tin mà các công ty xăng dầu đưa ra. Ví dụ khi doanh nghiệp đưa ra bảng giá cơ sở cần có một cơ quan kiểm tra mức độ chính xác của thông tin này.

“Cơ quan này phải ở vị thế không bị xung đột lợi ích, việc doanh nghiệp tăng hay giảm giá cũng không ảnh hưởng tới lợi ích của họ. Gốc của câu chuyện là để giải quyết niềm tin của người tiêu dùng vào việc điều chỉnh giá như vậy là hợp lý mới là cái quan trọng. Quan trọng nhất là tạo ra niềm tin, khi đã có niềm tin thì việc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ không gây ra những phản ứng” - ông Ánh nói.

Như vậy, cần tìm cơ chế để điều hòa lợi ích giữa nhóm muốn tăng giá và nhóm muốn giảm giá. Cơ chế ấy có thể là thị trường cạnh tranh hay có cơ quan độc lập để khẳng định lý do tăng giá là chính xác hay không chính xác, hợp lý hay không hợp lý. Khi đó, chuyện doanh nghiệp muốn tăng giá là chuyện của doanh nghiệp. Người dân không còn phải băn khoăn giá tăng hay giảm có hợp lý nữa hay không.