Dở khóc, dở cười khi mua thực phẩm qua "mạng" trong mùa dịch Covid-19

ANTD.VN - Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để phòng tránh dịch bệnh, nhiều người dân đã chọn hình thức “đi chợ online”. Các giao dịch mua, bán hàng được thực hiện qua mạng internet và việc giao nhận hàng thông qua shipper (người vận chuyển hàng hóa). 

Bên cạnh những tiện lợi không nhỏ, việc mua hàng qua "mạng" cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Những chuyện “dở khóc, dở cười”

Gọi điện thoại đến "Đường dây nóng" Báo ANTĐ, chị Đặng Ngọc Thanh ở khu Đô thị Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, do nhà có con nhỏ nên từ khi có dịch Covid-19, chị ưu tiên đi chợ… trên "mạng". Ngoài quần áo, bỉm sữa cho con, chị Thanh còn mua thực phẩm, hoa quả online. Theo chị Thanh,  việc giao dịch qua internet diễn ra khá nhanh, giúp bên mua tiết kiệm được thời gian đi lại song cũng khiến chị không ít lần vớ phải “quả đắng”.

“Tuần trước, sau khi xem thông tin qua "mạng", tôi thấy một điểm bán hoa quả ở ngoại thành có giá khá rẻ lại giao hàng miễn phí. Nhìn hình ảnh hoa quả khá tươi ngon, bắt mắt trên 'mạng' tôi liền đặt mua 5kg bơ và 5kg cam để ăn dần. Tiền hàng được thanh toán trước qua chuyển khoản.

Khi có cuộc gọi từ người giao hàng, để phòng tránh dịch, tôi nhận hàng từ tay shipper rất nhanh rồi đi luôn, không kiểm tra kỹ. Đến khi vào trong nhà mở hàng ra, tôi mới thấy hình ảnh thật khác xa hình “ảo”. Bơ và cam tôi đặt mua bị dập khá nhiều, mẫu mã xấu, thậm chí còn bị cân thiếu hơn 1kg.

Tôi lập tức gọi điện thoại đến bên bán hàng phản hồi, thì nhận được câu trả lời “hàng giao đi là hàng chuẩn. Có thể trong quá trình vận chuyển người giao hàng làm rơi đồ, dập nát. Cửa hàng sẽ cố gắng liên hệ với shipper để chấn chỉnh, rút kinh nghiệm” - Chị Thanh thở dài chia sẻ.

Việc mua hàng qua "mạng" cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro (ảnh minh họa)

Không chỉ chị Thanh mà nhiều người khác cũng đã trở thành nạn nhân của các đối tượng bán hàng online. Dù đã có thâm niên 5 năm mua hàng qua "mạng", nhưng bà Lưu Thanh Hường, ở đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng không ít lần bị lừa. Lần thì mua phải quần áo rởm với giá “hàng xách tay”, lần thì mua phải máy hút bụi chưa dùng đã hỏng.

“Gần đây nhất, tôi đặt mua cá hồi, cá trích để ăn Sashimi. Không may lúc giao hàng tôi đi vắng nên con gái tôi nhận thay, không kiểm tra kỹ. Lúc mang ra ăn, dù đã thấy mùi vị cá không tươi ngon như bình thường, nhưng vì tin nơi bán, lại tiếc của nên gia đình tôi vẫn động viên nhau ăn hết. Hậu quả là chưa đầy 1 tiếng sau, cả nhà thay nhau canh… nhà vệ sinh. Tôi gọi điện thoại đến bên bán phản ánh thì họ giải thích qua quýt, đổ lỗi cho shipper nhiều đơn quá nên giao hàng chậm”- bà Hường chia sẻ.

Ham rẻ dễ vớ phải hàng rởm 

Không chỉ bán hàng kém chất lượng, cân thiếu, cân điêu mà một số cá nhân còn lợi dụng tình hình dịch bệnh để tiêu thụ hàng giả online. Mới đây, trên mạng xã hội nhiều đối tượng đã quảng cáo, rao bán loại thẻ đeo kháng khuẩn có tác chống Covid-19 khiến không ít người “sập bẫy”.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến trong thời điểm diễn ra dịch Covid-19, các cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra thường xuyên các điểm bán hàng qua mạng để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ, nên mua hàng ở những trang web, điểm bán hàng có uy tín, có thông tin rõ ràng như địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế, trao đổi kỹ về những điều khoản về bảo hành, trường hợp trả lại hàng, hoàn tiền, phí, phương thức giao nhận. Khi mua hàng từ các trang bán hàng trực tuyến, người mua cần giữ lại các chứng từ liên quan để có cơ sở giải quyết khi phát sinh tranh chấp.

Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác trước những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo các dịch vụ, sản phẩm với giá thấp hoặc tung ra các chương trình khuyến mại lớn. Đặc biệt, khách hàng không cung cấp thông tin cá nhân cho những trang web, tài khoản lạ trên mạng xã hội phòng trường hợp bị đánh cắp thông tin, tài khoản - anh Nguyễn Đình Trung, chuyên gia công nghệ thông tin cảnh báo.