Đồ chơi bạo lực: Tiếp tay làm lệch nhân cách trẻ

ANTĐ - Ngày Tết Trung thu đang đến gần, cũng là dịp thị trường đồ chơi trẻ em trở nên sôi động. Không chỉ đầy rẫy đồ chơi bạo lực và các loại súng đạn nhựa thuộc nhóm hàng cấm, gần đây trên thị trường còn xuất hiện các loại súng lửa, súng điện thoại có kiểu dáng gần giống súng quân dụng thông thường. 

Phát hoảng vì súng đồ chơi

Khẩu súng trường bằng nhựa giống y như súng trường thật

Điều đáng nói là những đối tượng kinh doanh biết rất rõ súng đồ chơi là mặt hàng cấm sản xuất, vận chuyển, mua bán nhưng ngay tại những con phố chuyên kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em như: Lương Văn Can, Hàng Cá, Hàng Ngang - Hàng Đào,… rất dễ bắt gặp các điểm kinh doanh có bán đồ chơi bạo lực và các loại súng đa dạng cả về mẫu mã và kiểu dáng.

Theo một số người bán hàng trên phố Lương Văn Can thì toàn bộ đồ chơi bạo lực, các loại súng đạn nhựa “như thật” đều xuất xứ từ Trung Quốc. Mặc dù cứ đến dịp Tết Trung thu, cơ quan chức năng lại tổ chức kiểm tra, xử lý các cửa hàng kinh doanh đồ chơi trẻ em bạo lực nhưng xử lý không xuể vì đa phần các cửa hàng không bày công khai nhưng hỏi mua thì ở đâu cũng có. Khi chúng tôi hỏi mua súng đồ chơi, một chủ cửa hàng trên phố Lương Văn Can tỏ ý dò xét: “Súng phun lửa hay súng bắn đạn? Cho con bao nhiêu tuổi ?”. Dứt lời, người bán hàng đi vào phía trong đem ra một số loại súng cho chúng tôi tham khảo. Nếu chỉ nhìn qua những khẩu súng này, người xem rất dễ nhầm lẫn với súng quân dụng thật. Ấn tượng nhất là khẩu súng trường dài khoảng 60cm, được bọc trong hộp nilon có lót hạt xốp với đầy đủ các loại đạn bên trong, có giá 800.000 đồng. 

 Anh Nguyễn Văn Trung, ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy phàn nàn: “Xuất phát từ tính học đòi, “bắt chước”, do ảnh hưởng từ những bộ phim hoạt hình kinh dị, những chương trình game bắn giết nhau... nên nhiều loại đồ chơi bạo lực cũng được dịp “ăn theo” nhằm thu hút tính tò mò, ham khám phá của trẻ. Tôi có cậu con trai mới 6 tuổi, nhưng cũng đã thích súng ống, dao, kiếm khiến tôi rất lo lắng. Trung thu vừa rồi, cháu được anh họ tặng khẩu súng đạn nhựa, cứ thỉnh thoảng cháu lại lấy ra chơi trò tự bắn vào mình bùm, bùm rồi lăn đùng… giả chết. Đây thực sự là trò chơi mang tính bạo lực rất nguy hiểm. Đó là chưa kể khả năng “sát thương” mà các loại súng bắn đạn nhựa gây ra là rất lớn, nếu bắn trúng vào mắt có thể gây mù lòa”.

Khó phát hiện vi phạm

Thị trường đồ chơi dành cho trẻ em hiện nay rất phong phú, nhiều chủng loại, thêm vào đó là việc quản lý, xử phạt chưa nghiêm nên rất nhiều chủ hàng đã lợi dụng sự thả nổi của cơ quan chức năng để cố tình nhập bán các loại đồ chơi bạo lực bị cấm. Đáng nói hơn cả, gần đây trên thị trường còn xuất hiện súng lửa, súng điện thoại. Nếu bất cứ ai nhìn thấy những khẩu súng dạng này đều không khỏi giật mình vì kiểu dáng của nó được thiết kế giống hệt súng đạn thật, với vỏ bọc bằng kim loại, gồm cò súng, nòng súng, khe ngắm.

Ghé vào một cửa hàng chuyên bán các loại bật lửa trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào, chúng tôi được người bán hàng bật mí: “Những loại súng lửa được bày bán ở cửa hàng chị đều là hàng độc, giá từ 200.000 - 400.000 đồng. Thời gian gần đây, thanh niên đến mua loại súng này rất nhiều. Bọn em mua tặng chồng, hoặc bạn trai chị đảm bảo các ông ấy sẽ thích mê…”.

Theo quan sát của chúng tôi, trong tủ kính trưng bày các sản phẩm gas, bật lửa của bà chủ cửa hàng, một số khẩu "súng lửa" có hình dạng, kích cỡ khác nhau được người bán hàng khéo léo bày xen kẽ. Anh Vũ Phan Anh, ở phố Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Hôm trước, tôi vừa được người bạn cho xem kiểu súng bao điện thoại mà cậu ấy mới mua, trông cũng khá lạ mắt. Bề ngoài nhìn giống hệt một khẩu súng với đầy đủ nòng, cò, báng, được khắc hoạ tiết rõ nét, nhưng bên trong lại được thiết kế rất sáng tạo đủ để “ôm” chiếc điện thoại bên trong. Giá của nó tuỳ thuộc vào dòng điện thoại mà người mua muốn sử dụng…”.

Hầu hết đồ chơi bạo lực được đưa vào thị trường Việt Nam bằng cách trà trộn trong các lô hàng buôn lậu qua biên giới. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý mặt hàng này trên cả khâu vận chuyển dọc đường cũng như khi chủ hộ bày bán trên quầy hàng nhưng xem ra vẫn như “bắt cóc, bỏ đĩa”.

Về vấn đề này, ông Lưu Bách Chiến - Đội trưởng Đội QLTT số 2 - Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: “Năm nào, khi dịp Tết Trung thu đến gần, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra quyết liệt các cửa hàng bày bán các loại đồ chơi trẻ em, đặc biệt là các cửa hàng có dấu hiệu bày bán các loại súng đạn nhựa, súng lửa gây nguy hiểm đến tính mạng. Thủ đoạn của chủ các cơ sở kinh doanh mặt hàng này thường rất tinh vi, chưa kể chủ cửa hàng còn cử người theo dõi mọi di biến động của lực lượng chức năng… nên phát hiện vi phạm là điều rất khó. Lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm có liên quan tới đồ chơi bạo lực, “súng lửa”, nhất là khi Tết Trung thu đang đến gần”.

 Đồ chơi bạo lực, dù được sản xuất dưới hình thức nào cũng là điều đáng lo ngại khi chúng là công cụ góp phần làm cho trẻ em có thói quen “giải quyết” với nhau bằng bạo lực. Nhân cách suy giảm và bạo lực học đường gia tăng một phần có nguyên nhân từ đó. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng nên nỗ lực trong công tác kiểm tra, xử lý việc buôn bán mặt hàng này. Cùng với đó, các bậc phụ huynh không nên chiều con bằng những “khẩu súng, viên đạn” dù vẫn biết đó chỉ là những đồ chơi bằng nhựa, hay giả súng thật vì hậu quả chúng mang lại thật khó lường…