Đo an toàn "phần ngọn"

ANTĐ - Quá lo sợ chất cấm, chất vàng ô trong thực phẩm nhưng lại không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, thực phẩm sạch, nhiều gia đình đã bỏ tiền triệu sắm riêng chiếc “máy đo an toàn thực phẩm”. 

Vậy là để đáp ứng “cầu”, nhiều doanh nghiệp nhập về đủ loại máy khác nhau. Liệu điều này có giúp giải quyết phần nào nỗi lo của người dân, hay chỉ càng làm rối thêm công tác quản lý thị trường vốn đang phức tạp, khó gỡ?

Một trong các thiết bị đang được bán khá phổ biến là máy đo Soeks, được Bộ Y tế cấp phép và xuất hiện trên thị trường từ cuối năm 2014. Máy này được giới thiệu rất hấp dẫn: “Sản phẩm sẽ giúp bạn kiểm tra độ an toàn của thực phẩm để bạn cảm thấy yên tâm hơn khi mua thực phẩm ngoài chợ, trong siêu thị”. Song, thực tế là máy này chỉ đo được nồng độ nitrat hoặc hóa chất được bảo quản để “phù phép” thịt ôi thối thành tươi ngon, ép chín và giữ tươi hoa quả.

Trong khi đó, theo phân tích của các chuyên gia, hiện không có máy nào có thể đo nhanh được chất tạo nạc Salbutamol hay vàng ô, ngoại trừ các thiết bị trong phòng thí nghiệm. Do vậy, một thành viên Hội An toàn thực phẩm Việt Nam nhấn mạnh, người tiêu dùng không nên nhẹ dạ, cả tin, cần tỉnh táo phân biệt máy đo không phải là “chiếc đũa thần” để kiểm tra độ an toàn thực phẩm 100%.

Cho dù máy chính xác đến mức nào, nhưng đo an toàn thực phẩm “phần ngọn”, liệu có ích gì? Để kiểm soát thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, các cơ quan quản lý đang nỗ lực quản lý chặt, truy xuất tận gốc rễ thực phẩm bẩn. Rõ ràng người tiêu dùng không nên rối trí, hoang mang, hoặc quá tin vào những lời đường mật mà tốn kém vô ích, để các đối tượng kinh doanh theo kiểu “đục nước béo cò” kiếm ăn trên sự ngờ nghệch “ngây thơ” của người dân.