Hệ thống bán lẻ mới chỉ tăng về lượng:

Định hướng hay, tổ chức thực hiện phải tốt

ANTĐ - Các nhà bán lẻ nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng. Để tiềm năng ấy không rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài, giới chuyên gia cho rằng cần thay đổi từ suy nghĩ tới hành động.
Định hướng hay, tổ chức thực hiện phải tốt ảnh 1
Cần khai thác tốt tiềm năng thị trường nội địa
 Ảnh: Phú Khánh


Đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp 

Theo đề án phát triển thị trường trong nước giai đoạn 2006-2012, định hướng đến năm 2020 của Bộ Công Thương, thời gian tới, thương mại nội địa sẽ phát triển theo hướng đa dạng các loại hình doanh nghiệp với nhiều quy mô khác nhau, tăng về số lượng, mới về phương thức hoạt động, hiện đại và chuyên nghiệp, phù hợp với quy luật lưu thông hàng hóa. Trong đó, đề án đưa ra một số loại hình doanh nghiệp thương mại như: tập đoàn, công ty mẹ - con kinh doanh hàng hóa chuyên ngành; công ty thương mại bán lẻ hiện đại; các hộ kinh doanh; hợp tác xã thương mại và dịch vụ nông thôn… kết hợp với phát triển hạ tầng, quy hoạch vùng. Đề án cũng đưa ra hàng loạt giải pháp phát triển. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị thành phố Hà Nội cho hay: “Đề án đã đề cập khá toàn diện và đầy đủ về thương mại trong nước, trong đó đã gắn sản xuất với phân phối. Đề án này nếu được triển khai thực hiện tốt thì thương mại trong nước sẽ phát triển mạnh hơn”. 

Theo đó, đến năm 2015, tỷ trọng đóng góp của thương mại trong nước vào GDP của nền kinh tế dự kiến đạt gần 550 nghìn tỷ đồng, chiếm 14%, và đến năm 2020, con số này lên tới khoảng 790 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa đến năm 2020 đạt khoảng 7.500 tỷ đồng, tăng gần gấp 5 lần so với năm 2010 (chưa loại trừ yếu tố giá). Bên cạnh đó, tỷ trọng bán lẻ của các loại hình thương mại hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, mạng lưới cửa hàng tiện lợi…) đến năm 2020 đạt 40%, tương đương 3.000 tỷ đồng. 

Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài bởi dân số đông và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, thúc đẩy tham gia nhiều hiệp định kinh tế, nếu nhà bán lẻ trong nước “chậm chân”, cơ hội khai thác thị trường nội địa sẽ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. 

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, ở Việt Nam còn quan điểm chưa nhận thức đúng vai trò của ngành dịch vụ đối với nền kinh tế khi cho rằng dịch vụ không trực tiếp làm ra của cải, vật chất nên không được coi trọng phát triển. Tuy nhiên, một sản phẩm từ lúc nghiên cứu đến lúc đưa ra thị trường phải trải qua 3 công đoạn chính: xác định nhu cầu, tổ chức sản xuất và cuối cùng là tiêu thụ. Hệ thống phân phối có ý nghĩa quyết định và được các nước phát triển đặc biệt quan tâm. “Sự hình thành nên các hãng phân phối lớn xuyên quốc gia và đa quốc gia có mạng lưới phủ khắp toàn cầu đã trở thành một thế lực mạnh, áp đặt cuộc chơi cho các nhà sản xuất. Nếu Việt Nam không sớm củng cố, phát triển hệ thống phân phối trong nước tốt trước khi mở cửa thị trường thì Việt Nam chỉ có thể hưởng lợi trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, do quá trình phân công lại cơ cấu sản xuất trên phạm vi toàn cầu, còn việc để các tập đoàn phân phối nước ngoài vào chi phối thị trường là điều khó tránh khỏi trong tương lai gần. Từ chi phối về phân phối sẽ dẫn đến chi phối về sản xuất”- vị chuyên gia trên cảnh báo. Vấn đề đặt ra là các nhà sản xuất và nhà phân phối Việt Nam phải liên kết với nhau để tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh này. 

Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Vinh Phú cho hay: Việc tổ chức thực hiện rất quan trọng, chiếm đến 70% thành công của thương mại nội địa. Phải nhanh chóng khắc phục những điểm yếu cố hữu của ngành bán lẻ thay vì suy nghĩ chủ quan, không muốn thừa nhận rằng ngành bán lẻ nước nhà đang ở thế “nước ngập đến vai”. Theo đó, cần thay đổi việc tổ chức thực hiện theo hướng chấm dứt quy hoạch cục bộ địa phương về phát triển thương mại, mà phải gắn với vùng lãnh thổ; đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp kết hợp với quản trị doanh nghiệp hiệu quả; có nguồn thu tài chính rõ ràng. Đặc biệt, cần loại bỏ những mô hình bán lẻ hiện đại không phù hợp với tiêu chuẩn. “Cửa hàng có 30m2 cũng gọi là siêu thị thì quy hoạch sẽ bị phá vỡ và chậm phát triển”- ông Vũ Vinh Phú nói.