Dinh dưỡng tăng sức đề kháng phòng sởi mùa hè cho trẻ em

ANTD.VN - Tính từ đầu năm, Hà Nội đã có 1 ca tử vong vì sởi, thế nên, chúng ta không thể lơ là khâu phòng chống khi dịch bệnh đang chuẩn bị vào mùa.

Miền Bắc đang chuẩn bị bước vào những ngày hè nóng nực. Thời tiết mưa nhiều, cộng với nóng ẩm là điều kiện lý tưởng để các mầm bệnh phát triển, trong số đó có cả sởi. Dù không phải là bệnh nguy hiểm, song sởi có khả năng bùng phát trên diện rộng và có thể để lại nhiều biến chứng như:  viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não… 

Dinh dưỡng tăng sức đề kháng phòng sởi mùa hè cho trẻ em ảnh 1Sốt đi kèm với ban đỏ là một trong những dấu hiệu thường gặp của bệnh sởi

Trẻ suy dinh dưỡng dễ bị bệnh sởi

Trước kia, sởi thường bùng phát vào mùa đông xuân, thế nhưng, số liệu thống kê từ Sở Y tế Hà Nội cho thấy, qua các năm, mùa xuân hè cũng là dịp có số ca bệnh sởi tăng cao so với các thời điểm khác. Riêng năm nay, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 1 ca tử vong vì sởi tại bệnh viện Nhi Trung ương nên việc phòng bệnh càng không thể lơ là.

Không phải là bệnh khó chữa nhưng sởi lại dễ lây. Nó có thể truyền bệnh ngay cả khi ban sởi chưa bùng phát, thế nên, việc phòng tránh khá phức tạp. Thực tế, trẻ mắc sởi có thể lây cho người khác trong khoảng thời gian trước và sau 5 ngày khi ban mọc/lặn.

Nhiều người cho rằng, chỉ cần tiêm phòng là trẻ có thể yên tâm hoàn toàn với dịch bệnh, thế nhưng, việc này chỉ hạn chế nguy cơ. Vậy nên, trong mùa dịch bệnh đang đến gần, cách tốt nhất vẫn là tăng cường sức đề kháng cho trẻ  để phòng ngừa dịch bệnh. Trong khi đó, sức đề kháng phần lớn phụ thuộc vào chế độ ăn uống hàng ngày của mỗi bé. Thế nên, nói một cách khác, để phòng bệnh cho trẻ, chúng ta nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. 

Tiến sĩ Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng quốc gia khẳng định: Trẻ suy dinh dưỡng thường dễ mắc sởi hơn và cũng dễ gặp các biến chứng nguy hiểm của sởi hơn như: viêm phổi, viêm não, khô giác mạc… Thế nên, một chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý sẽ giúp trẻ phòng tránh các loại bệnh.

Về chế độ dinh dưỡng, nó chỉ được coi là hợp lý khi chúng ta cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm (đổi bữa hàng ngày). Đồng thời, mỗi bữa của trẻ luôn phải đảm bảo các nhóm chất: đạm, béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất. Điều này đồng nghĩa với việc không phải cứ cho trẻ ăn nhiều chất, nhiều đồ bổ là đảm bảo đủ dinh dưỡng, vì nếu chỉ ăn một vài loại thực phẩm trong một thời gian dài có thể dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng và sức đề kháng có thể bị ảnh hưởng.

Khi đã nhiễm sởi, trẻ thường thấy miệng đắng, chán ăn, do đó, thời gian này, bạn nên cho con ăn các loại thức ăn mềm, lỏng, tránh các đồ cứng, nhiều dầu mỡ gây khó tiêu. Để giúp trẻ nhanh phục hồi sức khỏe, hãy cho trẻ ăn nhiều rau chân vịt, cải trắng, cà rốt, củ cải, táo, lê, đào… 

Tiến sĩ Phan Bích Nga cho biết, đối với trẻ bị sởi, vitamin A đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp trẻ mau khỏi bệnh. Loại vitamin này có nhiều trong các thực phẩm màu vàng, đỏ như cà rốt, bí đỏ, xoài, đu đủ... Chúng ta cũng có thể sử dụng dầu gấc cho trẻ để tăng cường lượng vitamin A từ tự nhiên.

Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi

- Thời kỳ ủ bệnh: Trung bình là 10 ngày: trẻ có thể sốt nhẹ.

- Thời kỳ khởi phát: kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Trẻ thường sốt cao, kèm mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, đau khớp.

- Thời kỳ toàn phát: Ban xuất hiện đầu tiên ở sau tai, sau đó lan dần lên 2 bên má, cổ, ngực, bụng và phần chi trên trong vòng 24 giờ. Trong 24 giờ kế tiếp, ban lan xuống lưng, bụng, 2 tay và sau cùng là 2 chân trong từ ngày thứ hai đến ngày thứ  ba của bệnh. Ban sởi màu hồng nhạt, ấn vào mất, thường kết dính lại.

“Trẻ suy dinh dưỡng thường dễ mắc sởi hơn và cũng dễ gặp các biến chứng nguy hiểm của sởi như: viêm phổi, viêm não, khô giác mạc… Thế nên, một chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý sẽ giúp trẻ phòng tránh các loại bệnh”.

Tiến sĩ Phan Bích Nga (Viện Dinh dưỡng quốc gia)