Điều trị nội trú tại BV Xanh Pôn: Quá tải vì quá chật chội

ANTĐ - Không chỉ phải nằm ghép 2, ghép 3, nằm ngoài hành lang, lối đi, trước cửa nhà vệ sinh hay chân cầu thang… mà cùng cực hơn, mỗi khi có trận mưa to gió lớn, nhiều bệnh nhân nội trú lại tá hỏa tìm chỗ trú để tránh những buồng bệnh bị dột nước, bong vữa. Ít ai ngờ rằng đó lại là tình cảnh đang diễn ra tại một BV hạng 1 giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội.

Hiện nay cơ sở vật chất tại bệnh viện Xanh Pôn đã rất cũ kỹ, chật hẹp 

(Chụp tại khoa Điều trị nội 1) Ảnh: PHÚ KHÁNH

Nhồi nhét mọi khoảng trống

Toàn khoa Nội 1 của BV Xanh Pôn được giao chỉ tiêu 25 giường bệnh, khoa đã cố gắng kê các giường sát nhau để tận dụng tối đa diện tích trong mỗi phòng điều trị, khu vực hành lang trước cửa buồng bệnh, thế nhưng cũng chỉ nâng lên được 35 giường, trong khi lượng bệnh nhân nội trú lúc nào cũng lên tới 60-70 người, cao điểm hoặc khi có dịch bệnh bất thường thì tăng vọt tới cả trăm trường hợp. Có mặt tại đây mới thấy, việc bệnh nhân phải nằm ghép 2, ghép 3 đã trở nên quá đỗi quen thuộc. Vậy mà vẫn chưa khổ bằng khoa Thần kinh, nơi phần lớn bệnh nhân có vấn đề về nhận thức, tâm thần không ổn định. Việc các bệnh nhân tâm thần phải nằm ghép tráo đầu đuôi, nằm chen chúc, sát sạt vào nhau đã phát sinh nhiều chuyện cười ra nước mắt. Nhiều khi các bệnh nhân vung tay, vung chân vào nhau, đạp đẩy nhau một cách vô thức và thậm chí… đi vệ sinh vào người nhau.

Ngay cả khoa Hồi sức cấp cứu, nơi chỉ dành riêng cho các bệnh nhân đặc biệt nặng, vừa trải qua các can thiệp, phẫu thuật phức tạp cũng bất đắc dĩ phải kê thêm gần chục giường bệnh ngoài 12 giường chỉ tiêu. Bác sĩ Đặng Minh Tân, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu ngoại - BV Xanh Pôn trăn trở: “Bệnh nhân nằm hồi sức cấp cứu về nguyên tắc không thể cho nằm ghép bởi đa phần trong trạng thái hôn mê, nguy kịch, đi kèm với giường bệnh là rất nhiều máy móc, trang thiết bị để phục vụ điều trị và xử lý trong tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên vì điều kiện cơ sở quá chật chội, lượng bệnh nhân đông nên BV không thể nào xoay xở được, dù biết rõ việc kê giường bệnh sát nhau sẽ cản trở y bác sĩ khi làm các can thiệp, thủ thuật cho người bệnh. Đấy là chưa kể việc nằm ghép, nằm quá đông sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong BV, làm bệnh diễn biến nặng hơn, điều trị kéo dài hơn, chi phí điều trị tăng cao…”.  

Khoa Nội 2 - BV Xanh Pôn, ngoài tình trạng quá tải chung giống các khoa khác, bệnh nhân nằm điều trị nội trú ở đây còn phải thường xuyên xê dịch hoặc mang chăn màn, giường chiếu đi trú tạm ở khoa khác vì… buồng bệnh dột trần, rò rỉ nước mỗi khi mưa to. Bác sĩ Ngô Thanh Hải, Phó Trưởng khoa Nội 2 tâm sự, chứng kiến cảnh các bệnh nhân nặng đang nằm tiêm thuốc, truyền dịch phải chạy tá hỏa để tránh dột nước mỗi khi trời mưa… thấy đau xót quá.

Bệnh nhân thiệt đủ đường

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo BV Xanh Pôn cho biết, không chỉ riêng khoa Nội 2 mà nhiều khối nhà khác, đặc biệt là 2 khu nhà B (2 tầng) của các khoa Xương, Tiết niệu, Nội 1, Giải phẫu bệnh lý, Phục hồi chức năng, Xét nghiệm và khu nhà D (2 tầng) được xây dựng cách đây hàng trăm năm đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cũng như gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng. 2 khối nhà này được xây theo kiến trúc Pháp truyền thống, dùng kết cấu tường chịu lực, trần vôi rơm, mái lợp ngói đỏ, hiện đã nứt vỡ rất nhiều, vữa trát bị mục và ẩm gây hiện tượng bong tróc, lên rêu. Đặc biệt, hệ trần vôi rơm thường xuyên bị dột thấm, rụng xuống gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Hệ xà gồ, cầu phong, litô gỗ kết hợp ngói lợp cũng đã xuống cấp, có thể đổ ụp bất cứ lúc nào… Phía BV đã nhiều lần tiến hành khảo sát đánh giá, qua đó thấy một số hạng mục có thể sữa chữa, cải tạo để tiếp tục sử dụng nhưng cũng có một số hạng mục cần phải phá dỡ, xây mới để đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, việc giải quyết bài toán quá tải BV, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh, điều trị của người bệnh cũng rất nan giải. Ông Phạm Mạnh Thân, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - BV Xanh Pôn cho biết, mỗi ngày BV Xanh Pôn tiếp nhận hơn 1.200 lượt bệnh nhân, trong đó khoảng 100 trường hợp vào điều trị nội trú. Rất nhiều bệnh nhân ở các địa phương khác tìm đến, rồi bệnh nhân điều trị tại các BV tuyến trung ương ở xung quanh được chuyển về… khiến BV Xanh Pôn ngày càng rơi vào cảnh quá tải trầm trọng.

Dù đã áp dụng hàng loạt giải pháp, từ việc tích cực đưa vào triển khai các kỹ thuật mới, hiện đại để rút ngắn thời gian điều trị, sàng lọc bệnh nhân, tăng cường điều trị ngoại trú… song vẫn không giảm bớt được bao nhiêu. “Người bệnh tin tưởng tìm đến cấp cứu, chúng tôi không thể từ chối tiếp nhận được. Vì quá tải nên bao năm nay nhiều khoa phòng của BV vẫn phải sắp xếp tạm bợ, khi khối điều trị nội quá chật thì khối ngoại phải dồn vào để dành chỗ, thậm chí cả hội trường lớn cũng được tận dụng để làm nơi khám chữa bệnh, chất lượng điều trị hạn chế… Điều kiện làm việc của y bác sĩ khó khăn đã đành, chỉ thương người bệnh đã ốm đau lại phải chịu khổ đủ đường” -  ông Thân chia sẻ.