Diệu kỳ và thú vị con số 3 trong văn hóa Việt Nam

ANTĐ - Số 3 trong tiếng Việt có hai từ biểu đạt là: “Ba” (từ thuần Việt) và “Tam” (từ vay mượn của tiếng Hán). Nghĩa của “Ba, Tam” về cơ bản là giống nhau. Nhưng tần suất sử dụng của “Ba” cao và mang ý nghĩa văn hóa phong phú hơn “Tam”.

“Tam” thường dùng để chỉ số lượng là 3, và đa số đều được dịch trực tiếp từ tiếng Hán, ví dụ: “Tam đại”, “Tam Đạt Đức”, “Tam giác đồng minh”, “Tam giáp”, “Tam nghi”, “Tam nguyên”, “Tam thế”,… Một số trong đó có ý nghĩa quan trọng, dùng để chỉ quan niệm luân thường đạo lý trong gia đình, ví dụ: “Tam tài”, “Tam bảo”, “Tam cương ngũ thường”, “Tam đại đồng đường”,… Tuy rằng, những ý nghĩa văn hóa này đều kế thừa từ tiếng Hán, song chúng phù hợp với bối cảnh xã hội và mưu cầu nhân sinh của người Việt Nam, vì thế cách gọi con số 3 là “Tam” luôn được người dân Việt Nam yêu thích. Theo quan niệm dân gian, những người làm ăn kinh doanh rất thích con số này, “Tam lục” (36) (tượng trưng cho “tài lộc”), “Tam bát” (38) (tượng trưng cho “tài phát”) luôn là mục tiêu mà họ hướng tới.

Từ “Ba” trong tiếng Việt ngoài nghĩa biểu thị số lượng là “3” ra, chủ yếu biểu thị nghĩa “đa” (nhiều), ví dụ: “Ba bò chín trâu”, “Ba chìm bảy nổi”, “Ba đời bảy họ”, “Ba đầu sáu tay”, “Ba lần bảy lượt”, “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Song, nếu “đa” quá mức thì không tốt, nên từ “Ba” còn có nghĩa “không chuyên tâm, lộn xộn lung tung, rối bời”, ví dụ như: “Ba lằng nhằng”, “Ba vả”, “Ba hoa”, “Ba phải”…

Từ “Ba” trong tiếng Việt còn có nghĩa là chỉ “giới hạn”, người Việt Nam thường lấy “Ba” để làm thước đo, ví dụ: “Quá tam ba bận”, “Chẳng ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời”, “Cờ ba cuộc, thuốc ba thang”, “Gái giống cha giàu ba họ, trai giống mẹ khó ba đời”…

Trong sinh hoạt đời thường của người Việt Nam, sau khi cha mẹ qua đời, con cái phải “đội tang ba năm” để ghi nhớ công ơn dưỡng dục. Nhưng, vì sao nhất định phải đội tang “3 năm” mà không phải là 1 năm hoặc 2 năm? Trong tiếng Việt có câu tục ngữ “Con lên ba mới ra lòng mẹ” đã nói lên điều này, vì vậy sau khi cha mẹ qua đời, con cái nhất định phải “đội tang ba năm” là vì lẽ đó. Tình nghĩa anh em bạn bè cũng lấy “3 năm” để làm thước đo: “Làm bạn ba năm”.

Trong tiếng Việt, con số 3 có những lúc được coi là con số không may mắn, biểu thị nghĩa không tốt.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba”, “Chó tháng ba, gà tháng bảy”, “Tháng ba bà già chết cóng”, “Tháng ba ngày tám”, “Tháng tám chưa qua, tháng ba đã tới”... Việt Nam là nước nông nghiệp lúa nước, tháng ba âm lịch là khoảng thời gian khó khăn nhất, mùa màng thất bát, thường thiếu lương thực, vì vậy ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, người dân thường có cảm giác lo âu, không may mắn khi đến tháng này.

Ngoài ra, câu “Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba” là do người Việt Nam đúc kết từ kinh nghiệm, “ngày bảy, ngày ba” - khi mặt trăng và trái đất quay gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe con người, nên vào thời gian này đi ra ngoài hoặc làm bất cứ việc gì cũng cảm thấy không thuận lợi, không đạt được kết quả như mong muốn. Vì vậy, nếu có việc quan trọng cần đi ra ngoài vào “ngày bảy, ngày ba”, người Việt Nam đều rất thận trọng, vào hai ngày này không tổ chức những sự kiện lớn để tránh bất lợi. Chính vì hai nguyên nhân này đã dẫn đến tâm lý của người Việt Nam không thích số 3, cho rằng số 3 là con số không may mắn, nguy hiểm. Quan niệm này cũng đã phản ánh đến cả cuộc sống đời thường của người dân, ví dụ như: Không chụp ảnh ba người, “Tam nhân bất đồng hành”,… vì sợ không may mắn. Và đương nhiên, trong tình yêu, trong hôn nhân, “kẻ thứ ba” càng không được người ta đón nhận.

Như vậy, có thể thấy con số 3 tưởng như khô khan, đơn điệu, nhưng trong văn hóa Việt Nam nó lại có một đời sống sinh động và phong phú, chứa đựng rất nhiều ý nghĩa văn hóa thú vị. Thông thường nó được sử dụng với hàm ý tốt, song đôi khi cũng ám chỉ những điều không may mắn. Mặc dù, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh điều này, song trong cuộc sống hàng ngày, con người ta vẫn luôn mong hướng tới những điều tốt đẹp và kiêng kỵ để phòng tránh những điều không may mắn, vì vậy bất luận con số 3 trong tiếng Việt có thực sự mang những hàm ý đó hay không, thì nó vẫn cứ tồn tại trong cuộc sống đời thường của chúng ta và ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu.