Điêu khắc gia Lương Văn Việt: Không dễ để nhìn ra cái xấu

ANTĐ - Không tham vọng làm tác phẩm lớn để phô trương, nhưng để hoàn thành những tác phẩm trưng bày trong “Hội tụ” -triển lãm điêu khắc về sắt lớn nhất Việt Nam, ít ai biết một mình điêu khắc gia Lương Văn Việt đã trải qua một chặng đường sáng tác kỳ công, đôi khi phải trả giá bằng chính sức khỏe của mình.

Điêu khắc gia Lương Văn Việt: Không dễ để nhìn ra cái xấu ảnh 1Tác phẩm “Hội tụ” bằng sắt hàn kết hợp gỗ

Gẫy chân vì sắt

Vốn có niềm đam mê với chất liệu sắt từ khi mới vào nghề, sau triển lãm đầu tiên “Con đường của sắt” vào năm 2008 với những thiết kế điệu đà, Lương Văn Việt quyết tâm phải làm bằng được những công trình thật lớn, quy mô để cho thỏa chí sáng tác. Thế là trong vòng 5 năm, anh tự “nhốt” mình vào xưởng như một ông thợ để cặm cụi sáng tác. Gọi là ông thợ vì toàn bộ khối tác phẩm khổng lồ nặng đến 3 tấn, gồm 3 tác phẩm tượng và 3 bức phù điêu từ khâu thiết kế, sáng tác cho đến vận chuyển đều do một mình anh thực hiện.

Với khối lượng công việc nặng nề như thế, không ít lần tai nạn đổ ập xuống khiến quá trình sáng tác bị gián đoạn. Chẳng là sau khi hoàn thành tác phẩm đầu tiên “Cái cửa” - anh “lôi” sắt ra để tiếp tục sáng tác và  bị tấm sắt cỡ lớn đổ ập xuống làm gẫy chân. Anh bảo, “thế mà tôi vẫn tự đi đến Bệnh viện 19-8 để bó bột, xong về nhà. Một lần khác đang làm bị máy cắt vào tay. Vết thương quá sâu khiến cho đến bây giờ đầu ngón tay vẫn bị tê liệt, gần như mất cảm giác”. Nhưng kinh khủng nhất là khi thực hiện đổ sơn ta trên phù điêu. Mặc dù bảo hộ kỹ càng nhưng anh bị sơn ăn, khuôn mặt trở nên sưng phồng, biến dạng. Anh nói, việc quét sơn ta trên sắt hiện giờ trong giới nghệ sỹ chẳng mấy ai làm vì phải xử lý bằng nhiệt, mà lại rất tốn công, độc hại. Nhưng anh vẫn nhất quyết tự tay làm để cho ra được màu ưng ý, vì nếu không tới thì sơn bị dính, không lên màu, hơi quá lửa thì sơn bị bong tróc. Dường như vì quá say, quá yêu nghề nên tai nạn xảy đến, dù lớn, dù nhỏ anh cũng chỉ coi như một “cái giá” để nhìn thấy những đứa con tinh thần thành hình. 

Dễ nhìn ra cái đẹp hơn là cái xấu

Mặc dù đã được ứng dụng nhiều trên thế giới nhưng điêu khắc lớn ở Việt Nam thường ít người làm. Lý do đầu tiên là khó bán. Tiếp theo có làm xong cũng không biết bày ở đâu, vì ít tính ứng dụng, không gian để bày được rất hạn chế. Bởi vậy, những tác phẩm điêu khắc có quy mô lớn ở Việt Nam hầu như rất khan hiếm, nếu có chỉ là tượng đài. Hiểu được điều đó nhưng Lương Văn Việt vẫn làm cho bằng được những tác phẩm quy mô lớn. Anh muốn phá đi quan niệm tác phẩm điêu khắc chỉ để đặt lên bục bệ, chỉ để chạm vào, nhìn ngắm. Tác phẩm của anh, người xem có thể lùi lại để chiêm ngưỡng, hoặc vừa có thể chui qua, vui đùa và đặt mình ở nhiều vị trí khác nhau đánh giá về nó, suy nghĩ về nó, cũng như tiếp cận nó. 

Gần gũi với người xem nhưng những tác phẩm trong “Hội tụ” lại gửi gắm những tầng ý nghĩa, giá trị mang tính triết học sâu sắc. Tác phẩm “Bình đẳng” với những khối sắt xếp liên tiếp, với lỗ thủng màu đỏ nói lên thực chất sự bình đẳng là một thứ xa xỉ, mà không ai mua được bằng tiền vì nó ở trong lương tâm mỗi con người. Cũng nói về sự bình đẳng, nhưng 12 cây cột xếp thành hình tròn trong tác phẩm “Hội tụ” lại phản ánh hơi thở của một nền văn hóa, phảng phất sắc màu tín ngưỡng. Nhưng đặc biệt nhất có lẽ phải kể đến tác phẩm “Cửa”. Một cánh cửa mở rộng với màu đỏ mời gọi, nhưng trước mặt lại là “ngã ba” tượng trưng cho “cửa sinh”, “cửa tử” ở đời, ai cũng phải một lần đi qua nhưng quan trọng là sống như thế nào, điều đó mới khó. 

Các tác phẩm được biến hóa, trên cơ sở tối giản về màu sắc, chỉ sử dụng hai màu đỏ và đen nhằm làm nổi bật hai mặt đối lập của xã hội. Quan điểm này được anh khẳng định lại một lần, ranh giới giữa cái tốt và cái xấu, nguy cơ và cơ hội nhiều khi rất mong manh, mà mỗi người đều phải tự mình nhìn nhận. Cũng như anh quan niệm, đâu cần phải một tác phẩm thật đẹp, thật trau chuốt, đôi khi người nghệ sỹ phải làm một tác phẩm “xấu” để cho người khác xem. Vì nhìn ra cái đẹp thì dễ, cái xấu mới khó. Để nhận ra được điều khó, người xem phải đặt câu hỏi, phải suy nghĩ, phải thắc mắc và nhớ đến. Và như vậy, nghệ thuật đã thành công.

Triển lãm “Hội tụ” của nhà điêu khắc Lương Văn Việt bao gồm 6 tác phẩm bằng chất liệu sắt, gỗ kết hợp với sơn mài. Đây được coi là triển lãm điêu khắc về sắt lớn nhất Việt Nam, được trưng bày tại Heritage Space (28 Trần Bình, Hà Nội) từ ngày 3 đến 31-1-2015.