Bế mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII

Điều hành quyết liệt để hạ nhiệt lạm phát

ANTĐ - Ngày 6-8, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII đã bế mạc sau gần 3 tuần làm việc. Trước phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân và Nghị quyết về triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Sức đề kháng quá yếu

Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội họp báo sau khi kết thúc  Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII

Tại phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, giải pháp 6 tháng cuối năm 2011. Tình hình lạm phát đe dọa vẫn tiếp tục là vấn đề nóng tại nghị trường. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nói, có tình trạng như hiện nay là do sức đề kháng của nền kinh tế quá yếu. Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ hơn mới có thể giảm bớt sức nóng lạm phát.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế ) cho rằng, nói lạm phát do tăng lương là không đúng. Lâu nay, tăng lương đều đi sau tăng giá và phần tăng không đủ bù đắp cho tăng giá. Dẫn ra hàng loạt các ví dụ cụ thể, Đại biểu Đồng Hữu Mạo đánh giá, điều hành vĩ mô về tiền tệ, tài chính còn lúng túng, thiếu chủ động. Lạm phát dường như là bất ngờ với cả Quốc hội và Chính phủ. Ông nói: “Chúng ta chưa có kinh nghiệm trong điều hành tài chính, tiền tệ nên sai sót là khó tránh khỏi. Điều quan trọng là phải rút kinh nghiệm để không phải tiếp tục trả giá...” 

Một số ĐBQH cũng đồng tình với ý kiến điều hành quản lý có vấn đề. Cụ thể, trong thời gian Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII diễn ra, giá vàng vẫn nhảy múa, diễn biến phức tạp. “Phải chăng, nạn lũng đoạn giá vàng vẫn chưa chấm dứt? Người dân đang nhìn giá vàng biến động để xem giá các loại hàng hóa khác. Do đó, cần khẩn trương nhìn lại các quản lý, điều hành thị trường vàng để ngăn chặn những diễn biến phức tạp...” - Đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) nêu vấn đề. 

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đề nghị, phải làm rõ nguyên nhân nội tại trong điều hành để rút ra giải pháp cho 6 tháng cuối năm.  Một số ĐBQH cho rằng, dự báo của Chính phủ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu, các chỉ số chính như tăng trưởng GDP hay CPI đưa ra thời gian gần đây đều thiếu chính xác, dẫn tới tình trạng Quốc hội đã ra Nghị quyết nhưng cuối cùng lại xin điều chỉnh hoặc không thể hoàn thành chỉ tiêu. Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) nhìn nhận, nền kinh tế nước ta còn nhiều yếu kém, người dân và doanh nghiệp nên hiểu rõ vấn đề này để tiết kiệm, không nên tiêu xài, mua sắm hoang phí.

“Khám” tổng thể các ngân hàng

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) bức xúc: “Vì sao có tình trạng ngân hàng đua nhau huy động vốn để cho vay với lãi suất cao kiếm lời, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất. Phải xem lại và có biện pháp mạnh với ngân hàng thương mại, hạ nhiệt lãi suất để phục vụ sản xuất...” Nhiều ĐBQH cũng cùng quan điểm phải chấn chỉnh ngay hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đại biểu Hoàng Đăng Quan (Quảng Bình) cho rằng, các ngân hàng thương mại năng lực tài chính yếu hiện nay hoạt động rất lộn xộn, gây ra sự rối loạn trên thị trường tài chính - tiền tệ nên rất cần được siệt chặt lại. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) yêu cầu tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, không để xảy ra những cuộc đua lãi suất, gây méo mó nền kinh tế.  

 

Hướng tới những tháng còn lại của năm 2011, Đại biểu Hoàng Đăng Quan (Quảng Bình) dự báo, kinh tế - xã hội trước mắt còn rất nhiều khó khăn. Tăng trưởng đã chậm lại, nếu Chính phủ chỉ đạo không quyết liệt, các mục tiêu đã đề ra sẽ không thể đạt được. Ngoài ra, Chính phủ phải có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất, để duy trì an sinh xã hội, tránh không thể tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo lại tăng lên. Ông nói: “Chính phủ cần có chính sách thỏa đáng hơn cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn và người nghèo đô thị. Đồng thời, phải có giải pháp mạnh, không để giá nông sản, thực phẩm bị đội lên trong quá trình lưu thông. Đây là việc cần đặc biệt quan tâm trong bối cảnh lạm phát liên tục gia tăng hiện nay”.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, vấn đề biển Đông là nổi bật, nhưng báo cáo chung về tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ tại Kỳ họp chưa thể hiện đúng mức. Ông nói: “Vấn đề biển Đông phải được nêu ra đúng tầm mức để nhân dân thông suốt, hiểu rõ được tình hình. Tại Kỳ họp Quốc hội lần này, Quốc hội nên có hành động cụ thể, nói rõ quan điểm, lập trường của Quốc hội đối với Chính phủ trong vấn đề biển Đông”.