Điều chưa biết sau giấc ngủ

ANTĐ - Giấc ngủ là chu trình sinh học khép kín giúp cơ thể có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng và đảm bảo cho một sức khỏe toàn diện. Xung quanh chuyện ngủ này, có những hiện tượng rất gần gũi với cuộc sống thường ngày nhưng không hẳn ai cũng hiểu rõ để giải thích thắc mắc tại sao.

Ảnh: Internet


Gỉ mắt là gì?

Nước mắt của chúng ta có 3 thành phần: Nước muối - xuất phát từ tuyến nước mắt phía sau góc trên phía ngoài của mắt; Protein - được tiết ra bởi lớp màng trong suốt bao ngoài mắt; Chất béo - xuất phát từ ống dẫn trong mí mắt. Nước mắt con người khá đa năng, nó làm sạch mắt, lấp vào những khiếm khuyết nhỏ trên bề mặt của giác mạc để đảm bảo tầm nhìn tối đa. Tất nhiên, nước mắt chỉ chảy ra vào những thời điểm có cảm xúc khi các tuyến nước mắt khởi động và tiết ra nước mắt.

Vào ban đêm, đôi mắt không thể biểu thị cảm xúc và do mắt nhắm lại nên bụi cũng không thể lọt vào trong. Vì thế, con người không có nước mắt và thế là, một lượng nhỏ hỗn hợp trên bề mặt của mắt đã thấm ra, nhưng không có nguồn cung là chất lỏng từ tuyến nước mắt nên các chất béo và protein khô lại, tạo thành gỉ mắt.

Tại sao ngủ dậy hơi thở lại có mùi?

“Mùi” sau khi ngủ dậy chính là...  khí vi khuẩn. Lúc nào trong miệng cũng có rất nhiều vi khuẩn, chúng sinh ra khi chỉ cần có một chút nhỏ thức ăn còn sót trong miệng. Bạn cũng từng nghe đến mảng bám mà các quảng cáo kem đánh răng thường hay nhắc tới. Mảng bám trên răng chính là “tập đoàn” các vi khuẩn bít vào răng bạn.

Khi chúng ta thức, một số mảng bám bị loại bỏ khi nhai, nói chuyện, uống, thậm chí cả khi hít thở. Nhưng ban đêm, những hoạt động này ngừng lại, tạo thời gian cho những vi khuẩn trên răng sinh sôi. Chúng thải ra axit gây sâu răng và các loại khí tạo hơi thở khó chịu vào buổi sáng.

Vì sao lại ngủ ngáy?

Ngủ ngáy do vài nguyên nhân tạo ra nhưng đều liên quan đến đường hô hấp trên. Trẻ em bị sưng amidan hoặc tuyến VA sẽ ngủ ngáy to. Có người nằm ngửa là ngáy bởi các mô ở cổ ép vào khí quản. Những người thừa cân hay ngáy vì lý do tương tự hoặc bởi cổ họ chứa nhiều chất béo. Trong khi đó, người bị cảm lạnh ngáy bởi vì họ các mô xoang trong cổ họng bị sưng. Ai uống bia rượu cũng ngủ ngáy vì các cơ trong cổ họng yếu đi, hạn chế kích thước của đường thở. Càng có tuổi, con người càng dễ ngủ ngáy vì mất tính đàn hồi trong các mô cổ vốn võng ở trên khí quản. Những người có hàm méo, lưỡi lớn hơn bình thường đều dễ bị ngủ ngáy.

Do đâu mà ngáp? 

Ngáp được hiểu là biểu hiện sự thay đổi trạng thái hoạt động, ví dụ lúc vừa ngủ dậy hay lúc buồn ngủ. Nhưng có điều lạ là các nghệ sĩ piano thường ngáp trước một buổi biểu diễn quan trọng, vận động viên Olympic cũng hay ngáp trước sự kiện thi đấu lớn, thậm chí thai nhi 11 tuần tuổi đã biết ngáp. Dù chưa có giải thích về mặt khoa học nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng ngáp là sự kết nối giữa các mức hoạt động của cơ thể, nó có thể giúp khuấy động phản ứng hóa học của máu và não để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang một hoạt động hay một trạng thái khác.

Thật thú vị khi người ta đưa ra một khuôn mặt đang ngáp, đối tượng được xem hưởng ứng ngay. Chỉ biết đây là hành vi mang tính bản năng, cổ xưa và tự động hóa mà con người chưa thể lý giải. Đừng tưởng tượng thêm, đọc đến đây bạn sẽ ngáp đó!