Điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2021 thế nào để có lợi cho người lao động?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều năm trước, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng đều đặn để phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, năm 2021 có lẽ sẽ là một năm ngoại lệ khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tiếp tục đề xuất giữ nguyên mức lương này.
Bộ LĐ-TĐ&XH cho rằng không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021 là phù hợp

Bộ LĐ-TĐ&XH cho rằng không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021 là phù hợp

Thay đổi thời gian tăng lương

Theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương, từ năm 2021 Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Thực hiện chủ trương trên, đầu tháng 8-2020, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp về phương án lương tối thiểu vùng năm 2021. Theo đánh giá của các thành viên hội đồng, dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng toàn cầu, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội khiến tình hình kinh tế - xã hội trong nước bị tác động nghiêm trọng. 6 tháng đầu năm 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, thấp nhất so với cùng kỳ 10 năm qua.

Chính vì vậy, Hội đồng Tiền lương quốc gia khuyến nghị với Chính phủ tiếp tục áp dụng mức lương tối thiểu vùng với người lao động trong các doanh nghiệp năm 2021 theo hướng tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021, chưa điều chỉnh lương tối thiểu vùng đã được quy định trong Nghị định 90/2019/NĐ-CP.

Tuy nhiên, do không đồng ý với phương án này cho nên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất Chính phủ xem xét tăng lương tối thiểu vùng từ 1-7-2021 thay vì hoãn cả năm như kiến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đánh giá tình hình làm căn cứ để đề xuất, báo cáo Chính phủ trước quý II-2021.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro với doanh nghiệp

Chia sẻ về việc này, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, thời điểm này vẫn chưa thể dự đoán được tình hình từ nay đến tháng 7 sẽ diễn biến ra sao. Nếu chốt tăng lương vào thời điểm này rất có thể sẽ làm xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp cũng như tiềm ẩn rủi ro. “Năm nay kể cả khu vực công cũng đã hoãn không tăng lương, nên khu vực doanh nghiệp nếu tăng thì cũng không phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay thì đặt vấn đề tăng lương là không khả thi” - ông Hoàng Quang Phòng cho hay.

Anh Nguyễn Xuân Tùng, chủ một doanh nghiệp may mặc trên địa bàn Hà Nội cho hay, năm 2020 kinh tế nước ta tăng trưởng dương, nhưng cũng chỉ tập trung ở một số lĩnh vực đặc thù. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020 tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm của người lao động còn nhiều khó khăn và chưa thể phục hồi như trước khi xảy ra đại dịch. Các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động đều tăng cao trái ngược hẳn với xu thế giảm trong các năm gần đây.

Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, cho nên thời gian tới vẫn cần có thêm những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động để duy trì sản xuất kinh doanh, giữ việc làm. Việc chưa tăng lương tối thiểu vùng cũng là cách để giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp để tiếp tục phục hồi, phát triển và tạo việc làm cho người lao động.

Thông tin thêm về vấn đề này ông Hoàng Quang Phòng cho biết, nhiều doanh nghiệp đã phải sử dụng nguồn tích lũy từ những năm trước mà lẽ ra dành cho đầu tư phát triển để chi trả lương nhằm giữ chân lao động. Việc này là để đề phòng khi tình hình sáng sủa hơn, doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường thì vẫn giữ được nhân sự để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Mong muốn tăng lương hay trả thêm thù lao của người lao động là chính đáng, nhưng với những thực tế đang diễn ra thì doanh nghiệp rất khó xoay xở. Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, doanh nghiệp có tồn tại thì người lao động mới có việc làm, từ đó mới có cơ sở để tăng lương.

Bảo lưu quan điểm không tăng lương

Công bố dự thảo báo cáo về việc triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ đối với kiến nghị về tiền lương tối thiểu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Thanh cho biết, trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế - xã hội, các yếu tố điều chỉnh mức lương tối thiểu trong bối cảnh bị tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19 và việc tăng lương tối thiểu sẽ gây thêm tác động đến việc làm của người lao động trong khi các doanh nghiệp còn đang gặp nhiều khó khăn, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định lựa chọn, thống nhất phương án khuyến nghị Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thanh cho biết, phương án khuyến nghị trình Chính phủ xem xét được tính toán dựa trên kết quả điều tra mức sống dân cư năm 2018 và ước CPI 4%/năm trong giai đoạn 2019 - 2020 nhằm bù trượt giá, đảm bảo giá trị thực tế để đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Sau khi có kết quả CPI thực tế của từng năm, mức lương tối thiểu sẽ được cập nhật lại để đánh giá mức độ đảm bảo mức sống tối thiểu làm căn cứ tính toán cho các năm tiếp theo.

Theo tính toán này, với dự kiến CPI tăng 4%/năm thì mức lương tối thiểu năm 2020 đã cao hơn mức sống tối thiểu 1,51% (gồm vượt theo CPI thực tế năm 2019 là 1,21% và mức bình quân các vùng lương tối thiểu năm 2020 cao hơn mức sống tối thiểu 0,3%). Đến nay, thực tế CPI cả năm 2020 tăng 3,23% (thấp hơn mức dự kiến) nên lương tối thiểu năm 2020 sau khi cập nhật lại đã đảm bảo cao hơn 2,28% so với mức sống tối thiểu. Vì vậy, khi tiếp tục giữa nguyên mức lương tối thiểu này để áp dụng cho năm 2021 thì vẫn đáp ứng được mức sống tối thiểu. Trường hợp CPI cả năm 2021 tăng cao hơn 2,28% thì về nguyên tắc tính toán phần lương tối thiểu thấp hơn mức sống tối thiểu sẽ được xem xét để đưa vào điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ năm 2022.

Cho nên Bộ LĐ-TĐ&XH bảo lưu quan điểm không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021 là phù hợp, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi, duy trì việc làm cho người lao động và tái tham gia thị trường lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, nên giữ nguyên thời gian điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1 hàng năm.

Bộ LĐ-TĐ&XH bảo lưu quan điểm không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021 là phù hợp, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi, duy trì việc làm cho người lao động và tái tham gia thị trường lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp. Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, nên giữ nguyên thời gian điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1-1 hàng năm.