Điều chỉnh giờ học, giờ làm: Chưa thống nhất quan điểm

ANTĐ - Đề xuất thay đổi giờ làm việc, giờ học tập và giờ kinh doanh thương mại để giảm ùn tắc của Bộ GTVT cho đến thời điểm này vẫn khiến nhiều người băn khoăn, lo ngại. Thay đổi giờ làm, giờ học sẽ gây sự xáo trộn rất lớn, nếu không có những tính toán, cân nhắc thì khó đạt được như mong đợi.
Điều chỉnh giờ học, giờ làm sẽ tác động lớn đến đời sống hàng triệu cư dân thành phố

Loay hoay giờ làm, giờ đón con

Để đưa ra giải pháp thay đổi giờ làm việc, giờ học tập, kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội, Bộ GTVT đã khảo sát các đối tượng gây ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm trên địa  bàn TP. Theo đó, hiện Hà Nội có khoảng 350.000 học sinh mầm non, 500.000 học sinh tiểu học và khoảng hơn 300.000 học sinh khối trung học. Về sinh viên các trường ĐH, CĐ trong nội thành có gần 500.000, tập trung ở 4 quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân và Hai Bà Trưng. Ngoài ra, có khoảng 350.000 cán bộ, công chức làm việc trong khối cơ quan Nhà nước thuộc Trung ương và TP.

Căn cứ vào đây, Bộ GTVT đã chia giờ làm việc cho 9 nhóm đối tượng. Đối với nhóm sinh viên, Bộ GTVT đề xuất vào học ca sáng từ 6h30-7h. Tuy nhiên, tại cuộc họp bàn lấy ý kiến các sở, ngành Hà Nội hôm qua 25-10, ông Nguyễn Công Bằng - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đưa ra thời gian học sớm hơn. Theo đó, SV khu vực Cầu Giấy và Thanh Xuân sẽ bắt đầu ca sáng từ 6h, ca chiều từ 12h; khu vực Đống Đa và khu vực Hai Bà Trưng sáng 7h và chiều từ 13h.

Tuy nhiên, đề xuất này của Vụ GTVT gặp phải sự phản đối của đại diện Vụ ATGT. Ông Hoàng Thế Tùng, chuyên viên Vụ này cho rằng, vào học từ 6h sáng là sớm, thời gian nghỉ trưa giữa hai ca cũng quá sát nhau. “Đó còn chưa kể, phần lớn sinh viên sử dụng xe buýt để di chuyển, phương án tính toán thay đổi giờ học cũng phải thay đổi, bố trí lại các dịch vụ vận tải như xe buýt”, ông Tùng nói. Ngoài ra, nên gộp nhóm công chức Trung ương và Hà Nội làm một mà không nên chia tách. Lưu ý, phải tính toán thời giam làm việc, tan ca của nhóm này với nhóm học sinh mầm non, tiểu học. Ông Tùng lấy dẫn chứng, nếu để thời gian của công chức vào làm lúc 9h sáng, trong khi, học sinh bậc mầm non, tiểu học lúc 8h30 thì khoảng cách chênh nhau quá ngắn, nhiều nguy cơ gây rối thêm tình hình giao thông trên đường.

Thí điểm trên nhóm

Hiện, toàn TP có khoảng 400.000 học sinh ở bậc tiểu học, THCS, trong đó, các quận nội thành chiếm khoảng 50%. Tỷ lệ học trái tuyến chỉ chiếm khoảng 12%, các huyện ngoại thành thì gần như không có. Đây là những con số được ông Nguyễn Trí Dũng, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội đưa ra. Những gia đình có con đi học trái tuyến, trái quận mới phải thường xuyên đi lại trên các trục chính, còn đa số học sinh thuộc các quận nội thành theo học đúng tuyến thì không phải là nhân tố chính gây tắc đường. Ông Dũng cho rằng, giờ chênh giữa các đối tượng, cấp học nên cách nhau khoảng 1 tiếng, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng, tất cả cùng gặp nhau ở đường, thì tắc vẫn hoàn tắc. Để có thể đưa ra quyết định chính xác, phù hợp, các chuyên gia nên khảo sát về số lượng học sinh hàng ngày phải tham gia giao thông trên các tuyến đường, bao nhiêu phần trăm học sinh học trái tuyến, bao nhiêu phần trăm học sinh học đúng tuyến, bao nhiêu em phải có cha mẹ đưa đón…

­Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Việt, Trưởng phòng Quản lý sở, ngành - Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng, mặc dù Bộ GTVT chia ra 9 nhóm đối tượng để sắp xếp, bố trí lại giờ làm, giờ học, song, vẫn còn thiếu rất nhiều đối tượng. Ông Việt nói: “Ngoài cán bộ công chức, học sinh, sinh viên, Hà Nội còn một lượng lớn người làm trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, lao động tự do. Những đối tượng này giờ giấc sẽ như thế nào, ai quản lý”? Do vậy, cần phải kiểm tra, rà soát, đánh giá lại đầy đủ các đối tượng cùng tham gia giao thông. Cụ thể, những đối tượng nào thường đi trên cung đường nào, giờ giấc ra sao để sự điều chỉnh phù hợp hơn. Đối với nhóm sinh viên, nhiều ý kiến cho rằng, không nên chia tách giờ theo quận, mà nên gộp chung một khung giờ, từ 7h sáng, chiều từ 13h.

“Phải điều chỉnh lại giờ học, giờ làm cũng bởi tại hạ tầng giao thông đô thị của chúng ta còn yếu kém, trong khi kinh tế phát triển nhanh dẫn đến ùn tắc”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT nhận định. Theo đó, ông  Hùng cho rằng, điều chỉnh giờ học, giờ làm là cần thiết để góp phần giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, chính điều này sẽ tác động rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân, bởi vậy, sẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng, có lộ trình cụ thể áp dụng trên từng nhóm đối tượng. “Sẽ điều chỉnh giờ học, giờ làm song sẽ có lộ trình cụ thể. Những nhóm đối tượng độc lập về đi lại, ít bị ảnh hưởng nhất gồm nhóm thương mại, dịch vụ, và sinh viên điều chỉnh trước. Các nhóm khác sẽ nghiên cứu để làm sao sự thay đổi ít gây ảnh hưởng nhất”. Song, kể cả với nhóm sinh viên cũng phải điều tra xã hội học cụ thể rồi mới lên phương án điều chỉnh, chủ yếu tập trung vào nhóm sinh viên các trường khu vực nội đô.