Điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Phải đảm bảo công bằng

ANTĐ - Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang dự thảo Thông tư về điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), dự kiến sẽ ban hành và áp dụng từ quý II-2015. Theo đó, giá viện phí BHYT tại các bệnh viện sẽ tiếp tục điều chỉnh so với hiện tại. 

Điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Phải đảm bảo công bằng ảnh 1Tới đây, các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ có giá dịch vụ giống nhau

Bệnh viện cùng hạng thu một mức giá 

Hiện nay, bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện được BHYT thanh toán theo các mức giá khác nhau. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế cho biết, hiện nay, giá dịch vụ y tế của các bệnh viện cùng hạng (cùng trình độ, cơ sở vật chất, cùng kỹ thuật...) ở các tỉnh, thành phố có sự khác nhau. Càng bất hợp lý hơn khi nhiều tỉnh miền núi, đồng bằng sông Cửu Long có trình độ kỹ thuật y tế kém phát triển lại được phê duyệt mức giá dịch vụ cao, trong khi một số địa phương như Hà Nội, có trình độ y tế phát triển nhưng giá dịch vụ được phê duyệt mức thu thấp. 

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phân tích, cùng thực hiện một dịch vụ kỹ thuật cụ thể nhưng giữa các bệnh viện có nơi thu cao, có nơi thu thấp là không công bằng. Do đó, việc ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh thống nhất giữa các hạng bệnh viện sẽ đảm bảo công bằng hơn. 

Ông Nguyễn Minh Thảo cho biết, với cách quy định giá dịch vụ y tế như hiện nay, bệnh nhân có thể bị thiệt thòi, quyền lợi BHYT bị ảnh hưởng. Trong khi theo dự thảo thông tư mới, nếu cùng là bệnh viện hạng 1 thì bệnh viện Trung ương, bệnh viện hạng 1 của Hà Nội hay bệnh viện hạng 1 của một tỉnh miền núi sẽ có cùng mức giá dịch vụ. Điều này sẽ tạo động lực, thúc đẩy các cơ sở khám chữa bệnh phải đầu tư, nâng cao chất lượng của mình để đạt tiêu chuẩn tốt hơn, đồng thời góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên. 

Có nơi giảm, nơi tăng 

Đặc biệt, so với mức giá viện phí hiện nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT theo dự thảo thông tư mới vẫn được kiểm soát. Trong đó, những bệnh viện Trung ương hoặc địa phương đang thu viện phí quá cao có thể phải giảm xuống, ngược lại, một số bệnh viện đang thu thấp sẽ được tăng giá lên. Cụ thể, các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1 trực thuộc Bộ Y tế sẽ điều chỉnh giá dịch vụ y tế giảm xuống, từ bình quân 94,5% khung giá tối đa hiện nay xuống 92% mức tối đa theo quy định. Tương tự, giá dịch vụ y tế của các bệnh viện thuộc các tỉnh Cao Bằng, Đồng Nai, Sơn La... hiện đang thu cao cũng phải giảm xuống.

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh thống nhất theo hạng bệnh viện là khó khả thi. Ông Lê Văn Quân, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, việc xây dựng giá một dịch vụ phải căn cứ trên cơ sở chi phí cho dịch vụ đó. Thực tế, cùng thực hiện một dịch vụ nhưng các bệnh viện có thể được đầu tư cơ sở hạ tầng khác nhau, có trang thiết bị khác nhau, trình độ bác sĩ khác nhau dẫn đến chi phí thực hiện khác nhau.

Do vậy, nếu áp chung một mức thu trên toàn quốc là không công bằng. Chưa kể nếu thực hiện theo cơ chế này, rất nhiều bệnh viện hạng dưới sẽ xin đầu tư máy móc, thiết bị để được nâng hạng, được thu giá cao hơn và BHYT phải thanh toán nhiều hơn. Từ đó, có thể xảy ra tình trạng đầu tư tràn lan kém hiệu quả, đồng thời gây ảnh hưởng đến an toàn quỹ BHYT… Đại diện nhiều bệnh viện đề nghị, nếu thực hiện thống nhất một mức giá theo hạng bệnh viện thì việc xếp hạng bệnh viện phải được thực hiện sớm, chính xác, khách quan, đảm bảo minh bạch và công bằng. 

Bệnh viện chuyên khoa “kêu” thiệt 

Thông tư mới quy định bệnh viện hạng đặc biệt sẽ được thu giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT cao hơn 5% so với bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối khi thực hiện cùng một dịch vụ. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho rằng, quy định này không công bằng. “Nếu thu giá dịch vụ thấp hơn 5% so với bệnh viện hạng đặc biệt, ước tính, mỗi năm Bệnh viện Việt Đức sẽ chịu thiệt 50 tỷ đồng” - ông Nguyễn Tiến Quyết nói.