Điều chỉnh chiến lược

ANTĐ - Tân Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry đã rời Thủ đô Washington, bắt đầu chuyến công du tới 9 nước châu Âu và Trung Đông, gồm Anh, Đức, Pháp, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất và Qatar.

Ông J. Kerry (trái) và Ngoại trưởng Anh W. Hague

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông J. Kerry tới các khu vực này trên cương vị ngoại trưởng trong chính quyền Tổng thống B. Obama. Vốn là chính trị gia lão luyện nổi tiếng trên chính trường Mỹ trong nhiều thập kỷ qua nên dư luận chẳng lạ gì khả năng “nói và diễn” của ông J. Kerry trong cuộc “thử sức” đầu tiên này. Họ đồn đoán xem có thông điệp mới gì mà người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đưa ra nhân chuyến đi.

Thường thì lâu nay, dư luận tập trung khai thác thông tin chuyến công du đầu tiên của những nhân vật quan trọng như Tổng thống, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng… để dự đoán ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chính vì thế mà ông J. Kerry chưa rời Washington, báo chí đã bình luận ầm ĩ rằng, chuyến đi này cho thấy Nhà Trắng ưu tiên duy trì quan hệ với các đồng minh hàng đầu tại châu Âu, đồng thời cải thiện quan hệ với các quốc gia Arập, khác với chính sách ưu tiên khu vực châu Á - Thái Bình Dương của người tiền nhiệm là bà H. Clinton.

Nhưng xem kỹ kế hoạch của ông J. Kerry, chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông xem ra không nằm trong quy luật “bất thành văn” đó. Kể từ khi lên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống B. Obama đã có điều chỉnh chiến lược, chuyển ưu tiên của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo hướng đó, đến năm 2020, hải quân Mỹ sẽ điều chuyển lực lượng của mình từ tỷ lệ khoảng 50-50% như hiện nay giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương sang tỷ lệ 60-40 giữa hai đại dương. Sáu tàu sân bay cùng hàng loạt các tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu chiến và tàu ngầm sẽ “lật cánh” sang Thái Bình Dương.

Thực tế thì với vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng của thế giới trong thế kỷ 21, châu Á – Thái Bình Dương đương nhiên phải nằm trong định hướng có tính chiến lược lâu dài của Mỹ. Vì thế, chỉ có thể giải thích việc ông J. Kerry chọn châu Âu và Trung Đông cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị ngoại trưởng là nhằm giải quyết hàng loạt các vấn đề thời sự đang nổi lên gắn với hai khu vực này.

 Điều đấy có thể thấy rõ qua nội dung làm việc mà ông J. Kerry sẽ thảo luận với lãnh đạo các nước mà ông đặt chân tới. Chẳng hạn, tại Anh, Đức và Nga, tân Ngoại trưởng Mỹ và những người đồng cấp sẽ bàn về tình hình Syria, nơi mà tình hình xung đột vũ trang giữa quân chính phủ và lực lượng chống đối ngày càng phức tạp. Còn trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp F. Hollande và Ngoại trưởng L. Fabius tại Paris, ông J. Kerry sẽ đề cập đến tình hình bất ổn ở Mali, nơi mà quân Pháp đang tập trung vãn hồi trật tự.

Cuộc khủng hoảng tại Syria cũng là một trong những nội dung chủ yếu được đem ra thảo luận giữa ông J. Kerry với các quan chức cấp cao các nước trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Qatar, trong buổi làm việc với Chủ tịch Liên đoàn Arập (AL) Nabil al-Arabi và trong Hội nghị ngoại trưởng các nước Vùng Vịnh tại Thủ đô Riyadh của Arập Xêút. Ông J. Kerry sẽ không thăm Israel và Palestine bởi ông dự kiến sẽ tháp tùng Tổng thống B. Obama trong chuyến thăm Israel, khu Bờ Tây và Gioócđani vào tháng 3 tới.