Điều chỉnh biểu giá điện: Cần phương án thứ tư

ANTĐ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố 3 phương án điều chỉnh biểu giá điện mới để lấy ý kiến cộng đồng, tiếp tục hoàn thiện đề án, gửi lãnh đạo Bộ Công Thương trong tháng 10 và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định… Tuy nhiên, việc điều chỉnh biểu giá điện cần phương án thứ tư để tạo đồng thuận xã hội cao hơn.
Điều chỉnh biểu giá điện: Cần phương án thứ tư ảnh 1

Vẫn chưa chốt phương án điều chỉnh biểu giá điện

Trước hết, cần khẳng định, thực chất EVN chỉ đưa ra 2 phương án có nội dung điều chỉnh vì “phương án 1: giữ nguyên 6 bậc như hiện hành” thì  dư luận đã có nhiều ý kiến. 

Phương án 2: Biểu giá điện sinh hoạt chỉ áp dụng một giá (đồng giá) là 1.747 đồng/kWh. Ưu điểm của phương án này là dễ áp dụng, minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho điện lực ghi chép và tính tiền theo chỉ số công tơ. Người dân và các hộ tiêu thụ điện dù lớn hay nhỏ cũng bớt lo nghĩ vẩn vơ khi cầm tờ hóa đơn tiền điện hàng tháng. Nhược điểm của phương án này là khiến người nghèo, người thu nhập thấp ngậm ngùi vì làm vơi đi túi tiền vốn quá mỏng của gia đình, khi mà lương tối thiểu trước mắt cùng lắm cũng chỉ đủ đáp ứng không quá 90% nhu cầu tối thiểu. Hơn nữa, phương án đồng giá trở lại sự cào bằng trước đây và không quán triệt được chủ trương, chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước trong nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.

 

Phương án 3, sẽ rút biểu giá điện từ 6 bậc hiện nay xuống còn 3 hoặc 4 bậc, với mức giá bình quân là 1.747 đồng/kWh. Theo phương án 3, EVN đề xuất 5 kịch bản điều chỉnh: Kịch bản 1: bậc 1 (50 kWh đầu tiên) có giá 1.484 đồng/kWh; bậc 2 (51- 250 kWh) 1.763 đồng/kWh; bậc 3 (trên 300 kWh) 2.557 đồng/kWh; Kịch bản 2: bậc 1 (100 kWh đầu tiên) 1.501 đồng/kWh; bậc 2 (từ 101-200 kWh) 1.907 đồng/kWh; bậc 3 (trên 300 kWh) 2.557 đồng/kWh; Kịch bản 3: bậc 1 (150 kWh đầu tiên) 1.559 đồng/kWh; bậc 2 (trên 150 kWh) 2.007 đồng/kWh; bậc 3 (trên 300 kWh) 2.557 đồng/kWh; Kịch bản 4: bậc 1 (200 kWh đầu tiên) 1.584 đồng/kWh; bậc 2 (trên 200 kWh) 2.325 đồng/kWh; bậc 3 (trên 400 kWh) 2.587 đồng/kWh; Kịch bản 5: bậc 1 (50 kWh đầu tiên) 1.484 đồng/kWh; bậc 2 (trên 150 kWh) 1.670 đồng/kWh; bậc 3 (trên 200 kWh) 2.325 đồng/kWh; bậc 4 (trên 400 kWh) 2.587 đồng/kWh.

Có vẻ như phương án này đề cập được nhiều vấn đề và cố gắng đáp ứng nhiều mục tiêu hơn, trong đó ưu điểm nổi trội là duy trì được mục tiêu xuyên suốt và nhất quán là không làm hao hụt nguồn thu của EVN trong bất kỳ tình huống nào… Tuy nhiên, phương án này thực chất cũng chỉ là phương án hiện hành phiên bản mới. 

Bởi vậy, có lẽ cần có thêm phương án tư hội tụ những mục tiêu và đột phá thực chất hơn, đó là một biểu giá 3 bậc, với 3 nhóm đối tượng chủ yếu: Nhóm 1: Đồng giá khoảng 1.500 đồng/kWh dành cho nhóm đối tượng xã hội tiêu dùng dưới 200 kWh/tháng; Nhóm 2: Đồng giá 2.000 đồng cho các hộ tiêu thụ từ 201 kWh/tháng trở lên đến 900 kWh/tháng; Nhóm 3: Dùng bậc thang khác nhau theo giá 2.500-3000 đồng/kWh cho mức tiêu thụ cao hơn của nhóm 2, nhằm định hướng tiêu thụ tiết kiệm trong sản xuất - kinh doanh, nhất là tạo áp lực tiết kiệm điện của nhóm dịch vụ và các hộ tiêu thụ điện năng cho các ngành, lĩnh vực không khuyến khích như  dịch vụ xa xỉ, doanh nghiệp sản xuất xi măng và luyện kim công nghệ cũ, tốn điện do không chịu đổi mới công nghệ hoặc cố tình lạm dụng điện giá rẻ của Việt Nam để trợ cấp ngược cho nước ngoài…

Các bậc thang cụ thể như thế nào sẽ được tính toán với nguyên tắc cao nhất là bảo đảm tính khoa học, hợp lý, hài hòa lợi ích, minh bạch, dễ tính toán, giảm nhầm lẫn, đề cao trách nhiệm và lợi ích xã hội của từng đơn vị, doanh nghiệp và người tiêu dùng, phù hợp mức tiêu dùng phổ biến hiện nay và tạo đồng thuận xã hội cao nhất.

Điều quan trọng là cần minh bạch cơ cấu giá đầu vào thực tế trong bối cảnh thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh, để có căn cứ tính mức giá cụ thể, cũng như công khai kết quả có kiểm toán khách quan, độc lập các khoản thu-chi, lời lỗ thực tế của ngành điện để giám sát, tránh mập mờ và kiểm soát các biểu hiện lợi ích nhóm trong ngành điện.