Diệt “tín dụng đen” từ gốc rễ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Có thể nói CATP Hà Nội là một trong số những đơn vị đầu tiên xây dựng chuyên đề tập trung đấu tranh mạnh mẽ với loại tội phạm “tín dụng đen”. Những kết quả của Kế hoạch 231 là cơ sở tiền đề hết sức quan trọng để sau này Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chỉ thị số 12 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Đọc lệnh bắt khẩn cấp và khám xét nhà đối tượng liên quan tín dụng đen

Đọc lệnh bắt khẩn cấp và khám xét nhà đối tượng liên quan tín dụng đen

Tấn công trên diện rộng

Trước khi triển khai Chỉ thị 12, tình hình hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” diễn biến phức tạp. Một số hộ kinh doanh, tổ chức, cá nhân do không tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng đã tìm đến các cơ sở cho vay tư nhân. Sự khó khăn về kinh tế cộng với lãi suất cao làm cho người vay không thể trả được nợ liên tục xảy ra. Điều đó dẫn đến các hệ lụy nặng nề, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình ANTT trên địa bàn, đẩy không ít gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, mất đất đai, nhà cửa do phải cầm cố để trả nợ, tình cảm gia đình bị tan vỡ, nhiều người phải lẩn trốn để tránh bị đòi nợ.

Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sử dụng các nguồn vốn có sẵn, kêu gọi người thân góp vốn, thậm chí cầm cố “sổ đỏ” của gia đình và người thân... để lấy vốn kinh doanh tài chính. Khi các con nợ không thể trả được nợ, nguy cơ đổ vỡ “tín dụng đen” rất cao. Do đó, các tổ chức, cá nhân cho vay sẽ tìm mọi cách để đòi nợ, siết nợ bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, từ đó phát sinh hàng loạt tội phạm như giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích...

Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý Nhà nước để thành lập các công ty tài chính, cơ sở mua bán, trao đổi ô tô, xe máy, mua bán sim thẻ... nhằm tránh sự chú ý của cơ quan công an, nhưng bản chất là hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Các hoạt động mua bán, trao đổi được “dán mác” là các giao dịch dân sự, nhưng các đối tượng cho vay cài vào các điều khoản để nếu người vay không trả nợ thì sẽ phạm vào các tội theo Luật Hình sự.

Kế hoạch 231 của CATP Hà Nội ngày 25-8-2016 tổ chức điều tra cơ bản, phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính ra đời đã tạo thành cú đấm thép đối với loại tội phạm này. Từ hiệu quả của Kế hoạch 231 cũng như yêu cầu cấp thiết trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12 ngày 25-4-2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Ngay sau khi Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 148 ngày 3-7-2019 để thực hiện, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị thành phố vào cuộc trong cuộc chiến với hoạt động “tín dụng đen”. Các sở, ban, ngành đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. CATP Hà Nội cũng nâng cấp Kế hoạch 231 thành Chuyên đề 231 để chỉ đạo, tập trung lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ chủ động tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”.

Bên cạnh đó tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Đến nay, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã có sự chuyển biến tích cực. Nhiều ổ nhóm tội phạm đã được phát hiện bóc gỡ, tội phạm không còn dám hoạt động ngang nhiên lộng hành.

Phối hợp đồng bộ, chặt chẽ

Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự (CATP Hà Nội) cho biết, trước năm 2016 khi Kế hoạch 231 chưa ra đời, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi đã trở thành vấn nạn của xã hội. Hoạt động này len lỏi từ vùng nông thôn đến thành thị, gây mất ANTT và thiệt hại kinh tế lớn cho người dân, doanh nghiệp. Quá trình hoạt động, loại tội phạm này đã dẫn đến nhiều hệ lụy xấu như xuất hiện các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng công khai hoặc núp dưới các hình thức cầm đồ, hỗ trợ tài chính, thậm chí hình thành các ổ nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động manh động, liều lĩnh, lưu động, có quan hệ phức tạp với nhiều đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự.

Các đối tượng đã gây ra nhiều vụ án giết người, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, khủng bố tinh thần bằng các hình thức đổ chất bẩn chất thải, bom xăng, đặt vòng hoa tang... ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Nhiều cơ sở cầm đồ, tín dụng mâu thuẫn với nhau kéo theo tranh chấp địa bàn. Đã xuất hiện tình trạng các đối tượng ở Hà Nội liên kết với đối tượng lưu manh ở những địa bàn giáp ranh để tập trung băng nhóm, dùng hung khí phô trương thanh thế, sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Thời điểm đó có hàng loạt vụ đổ chất bẩn vào nhà, trong đó có tới hơn 90% nguyên nhân xuất phát từ việc vay nợ, hoạt động tài chính bất minh.

Từ Kế hoạch 231 (sau này trở thành Chuyên đề 231) và đặc biệt là việc thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, những vi phạm trên đến nay đã cơ bản được kiềm chế, giải quyết hiệu quả. Từ ngày 24-4-2019 đến 15-6-2020, CATP Hà Nội phát hiện 90 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến “tín dụng đen”. Trong đó, khởi tố 46 vụ, 170 bị can; ra quyết định xử phạt hành chính 10 vụ, 16 đối tượng; ra quyết định không khởi tố vụ án: 6 vụ, 12 đối tượng.

Hiện CATP đang tiếp tục xác minh, giải quyết 17 vụ, 14 đối tượng. Cũng trong khoảng thời gian trên, CATP Hà Nội khởi tố 10 vụ, 56 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân thành phố (VKS) 10 vụ; VKS cấp thành phố và cấp huyện đã truy tố 2 vụ, 6 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và TAND TP Hà Nội và cấp huyện đã tiến hành xét xử 2 vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Một trong những vụ án điển hình là ngày 23-4-2019, Phòng CSHS đã khám phá Chuyên án 194P đấu tranh với ổ nhóm tội phạm “tín dụng đen”, khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Trước đó, vào cuối năm 2018, chị Bùi Thị Thúy Hằng (SN 1979, trú tại Hà Nội) vay của Cung Đức Lợi (SN 1957, trú tại ngõ chợ Khâm Thiên, Trung Phụng, Đống Đa, Hà Nội) và một số đối tượng khác tổng số tiền 3,8 tỷ đồng, lãi suất 5000 đồng/1 triệu/ngày. Vụ án sau đó đã được Cơ quan CSĐT khởi tố, điều tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm đến hoạt động “tín dụng đen” đã giúp cho lực lượng công an nắm chắc được tình hình đối tượng, phương thức, thủ đoạn hoạt động và các cơ sở trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính, đáo hạn ngân hàng. Từ đó đẩy mạnh tấn công, làm cho tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” giảm cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng.

Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả của CATP Hà Nội, hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh thành phố Hà Nội đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Chỉ đạo hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố quản lý cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

Chấp hành nghiêm quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn liên quan; đẩy nhanh tiến độ trả lời các yêu cầu của cơ quan điều tra về giám định tài chính, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án liên quan đến “tín dụng đen”. Các sở, ban, ngành chức năng cũng được huy động vào cuộc, trên chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình đã chủ động xây dựng các kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn tín dụng đen.

Càng thời điểm cuối năm, lực lượng chức năng càng cần vào cuộc để ra tay xử lý mạnh tội phạm “tín dụng đen”, không để lộng hành gây rối an ninh trật tự.

Thiếu tá Lê Trọng Hiếu - Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự, CAQ Đống Đa: Công tác điều tra cơ bản là quan trọng số 1

Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hoạt động “tín dụng đen” luôn cần được cấp chỉ huy thường xuyên chỉ đạo từ các đội cho tới công an các phường. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, công tác điều tra cơ bản phải được đặt lên hàng đầu, là biện pháp bắt buộc, từ đó tổ chức phân cấp quản lý rõ ràng đến từng cơ sở..., tạo lập hệ thống quản lý đồng bộ và thống nhất.

“Tín dụng đen” là hoạt động tội phạm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh trật tự địa bàn. Bởi thế, ngay từ việc rà dựng, phát hiện, đưa ra các biện pháp, đối sách thu thập tài liệu, tổ chức đấu tranh triệt phá... đều có sự chỉ đạo sát sao của người chỉ huy. Công tác tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố luôn phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời và có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu giữa Cơ quan điều tra, các phòng nghiệp vụ có liên quan, Viện Kiểm sát, đặc biệt trong những vụ án lớn, nhiều đối tượng, hoạt động trên nhiều tỉnh, thành, hoạt động trong thời gian dài, thủ đoạn tinh vi.

Việc phối hợp đó sẽ đảm bảo xử lý nhanh chóng, triệt để đối với loại tội phạm này. Ngoài ra, một việc quan trọng khác là sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong quản lý đối tượng tỉnh ngoài hoạt động lưu động. Đẩy mạnh mối quan hệ phối hợp, trao đổi thông tin về công tác phòng chống tội phạm nói chung và phòng chống tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng giữa các đơn vị của CATP và công an các tỉnh, thành phố giáp ranh, không để các ổ nhóm tội phạm “tín dụng đen” hoạt động trên địa bàn mà không biết, hoặc không được quản lý chặt chẽ.

Hồng Tuấn (Ghi)