Điệp khúc bì bõm

ANTĐ - Trận mưa xối xả kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ trưa 8-8 với lượng mưa khoảng 70-80mm đã khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội hóa “ao hồ”.

Mọi câu chuyện, chủ đề tán gẫu trong ngày chỉ xoay quanh chủ đề “thi bơi sải hay đua thuyền trên phố”. Xe chết máy, bì bõm lội dắt xe trong nước đen, ùn tắc kéo dài… Dù sau đó, mưa đã kết thúc cả tiếng đồng hồ nhưng nhiều điểm nước vẫn thoát rất chậm.

 Nhiều năm trở lại đây, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh thì đường phố Hà Nội cũng thường xuyên bị ngập lụt. Có những trận mưa chỉ khoảng 40mm cũng đã khiến một số “điểm đen” ngập úng hàng giờ đồng hồ. Cứ về mùa mưa, người dân Thủ đô lại nơm nớp nỗi lo ngập lụt, tắc đường, chết máy xe…

Nguyên nhân thì cũng đã được đề cập nhiều, như hệ thống thoát nước yếu kém; tốc độ đô thị hóa quá nhanh trong khi không quan tâm tới hệ thống thoát nước, khiến năng lực tiêu thoát đã yếu nay còn gồng mình gánh nặng. Trong khi đó, các con sông tiêu chính của Hà Nội như sông Nhuệ, sông Tích, Tô Lịch, Đáy thì đang bị “xẻ thịt” nghiêm trọng. “Tấc đất tấc vàng”, người người, nhà nhà đua nhau lấn từng mét đất để bán thu lời. Lợi ích của một bộ phận nhỏ người dân đã gây họa cho cả thành phố. Dòng sông đã hẹp, đã ô nhiễm nặng nề thì nay còn bị tắc nghẽn, thắt nút cổ chai, bảo sao không ngập, không úng.

Chính phủ chỉ đạo xuống, thành phố cũng nghiêm khắc yêu cầu các địa phương giải quyết vi phạm triệt để, trả lại thông thoáng cho dòng chảy nhưng không có hiệu quả. Chính quyền vẫn bật đèn xanh kiểu làm ngơ cho người dân nhảy dù vào lòng sông để xây nhà, để đổ đất. Còn hệ thống thoát nước trong nội thành thì theo đánh giá của một chuyên gia đầu ngành về thủy lợi hiện nay, phía trong nội thành, thấp hơn phía sông Tô Lịch, nên nước sông chảy ngược vào.

Hà Nội cũng vừa hoàn thành giai đoạn 1 hệ thống thoát nước với tổng công suất tiêu thoát xấp xỉ 170mm trong 2 ngày. Các cấp độ mưa được quy định tương ứng với lượng mưa đo trong khoảng thời gian 12 giờ. Theo đó, mưa 20-50 mm là mưa vừa; trên 50 - 100 mm là mưa to; trên 100 mm là mưa rất to. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 180 triệu USD, giai đoạn 2 với số vốn 370 triệu USD. Dự kiến đến cuối 2013, toàn bộ dự án hoàn tất.

Người dân Thủ đô không khỏi khấp khởi hy vọng, với hàng trăm triệu USD bỏ ra này, Hà Nội sẽ hết úng ngập. Nhưng liệu, ước mơ, hy vọng ấy có xa vời khi giai đoạn 2 sắp “cán đích” mà vẫn ngập úng kéo dài như vậy.

Tin cùng chuyên mục