Điện thoại của Thủ tướng Tây Ban Nha bị cài phần mềm gián điệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính quyền Tây Ban Nha tuần qua thông báo đã phát hiện phần mềm gián điệp mang tên Pegasus trên điện thoại của Thủ tướng đương nhiệm Pedroz Sanchez và của Bộ trưởng Quốc phòng Margarita Robles.
Điện thoại của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedroz Sanchez bị cho là do đối tượng “bên ngoài” cài phần mềm gián điệp

Điện thoại của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedroz Sanchez bị cho là do đối tượng “bên ngoài” cài phần mềm gián điệp

Theo công bố của Felix Bolanos - Bộ trưởng phụ trách Phủ Thủ tướng, điện thoại của Thủ tướng Sanchez bị nhiễm ứng dụng độc hại 2 lần vào tháng 5-2021 và đã gây ra ít nhất một vụ rò rỉ dữ liệu, trong khi thiết bị của Bộ trưởng Robles bị tấn công 1 lần vào tháng 6-2021. Các báo cáo kỹ thuật của Trung tâm Mật mã quốc gia của Tây Ban Nha cho thấy, tổng cộng 2,6 gigabyte thông tin được lấy từ điện thoại của Thủ tướng Tây Ban Nha trong cuộc tấn công đầu tiên và 130 megabyte trong cuộc tấn công thứ hai, trong khi 9 gigabyte đã bị đánh cắp từ Bộ trưởng Quốc phòng nước này.

Phần mềm Pegasus do tập đoàn NSO (Israel) phát triển. Không giống như hầu hết các phần mềm gián điệp, Pegasus không yêu cầu nạn nhân vô tình tải xuống, chẳng hạn như bằng cách mở tệp đính kèm hoặc nhấp vào liên kết. Nó có thể âm thầm lây nhiễm sang điện thoại chạy bằng hệ điều hành iOS, Android hoặc BlackBerry mà không cần cảnh báo cho chủ nhân của chúng. Sau khi được cài đặt, nó cho phép khách hàng của NSO kiểm soát thiết bị, kích hoạt camera và micro, xem dữ liệu vị trí địa lý và đọc nội dung tin nhắn - ngay cả những tin nhắn được gửi qua các nền tảng mã hóa như Telegram và WhatsApp.

Ông Bolanos không thông tin cụ thể về cá nhân hay tổ chức nào đứng sau cuộc tấn công gián điệp. “Hoạt động này là trái phép và đến từ bên ngoài, do tổ chức phi chính phủ tiến hành và không có sự đồng thuận của một cơ quan pháp lý nhà nước nào” - ông Bolanos nói hôm 2-5. Bộ trưởng Felix Bolanos từ chối suy đoán ai có thể đứng sau vụ phát tán phần mềm gián điệp này. Tòa án Quốc gia đã mở một cuộc điều tra về vi phạm dữ liệu có tính chất bí mật quốc gia và một ủy ban của quốc hội về các vấn đề tình báo đã được thành lập để xem xét vụ việc.

Năm ngoái, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nằm trong số 14 nguyên thủ đương nhiệm hoặc cựu nguyên thủ quốc gia trong danh sách các mục tiêu tiềm năng của Pegasus bị rò rỉ. Nhà sản xuất NSO của Pegasus cho biết, phần mềm này không được thiết kế để giám sát hàng loạt, mà dành cho mục đích chống khủng bố và phải được sự chấp thuận từ chính quyền Israel. Công ty được thành lập vào năm 2011 tuyên bố, họ chỉ bán cho các cơ quan chính phủ và họ sẽ kiểm tra hồ sơ nhân quyền của khách hàng. Phần mềm Pegasus đã được sử dụng tại các quốc gia như Azerbaijan, Saudi Arabia... Tuy vậy, doanh nghiệp này từng bị chỉ trích là xâm phạm quyền riêng tư của người dùng điện thoại toàn cầu, đồng thời đối mặt đơn kiện từ nhiều hãng công nghệ lớn như Apple và Microsoft.

Trong khi đó, lực lượng ly khai Catalan đưa ra cáo buộc các cơ quan tình báo của Tây Ban Nha sử dụng phần mềm gián điệp để theo dõi điện thoại di động của họ. Citizen Lab - một nhóm chuyên gia an ninh mạng trực thuộc Đại học Toronto (Canada) cho hay, ít nhất 60 người chủ trương độc lập cho Catalan đã bị cài phần mềm Pegasus từ năm 2017 đến năm 2020. Chính quyền khu vực Catalan tuyên bố các mối quan hệ với chính quyền quốc gia “tạm dừng” cho đến khi lực lượng chức năng đưa ra giải thích đầy đủ và những người chịu trách nhiệm về việc này sẽ bị trừng phạt. Điều này làm dấy lên căng thẳng và tranh cãi trong chính phủ thiểu số của Thủ tướng Sanchez. ERC - một đảng của Catalan và được xem là đồng minh chủ chốt của Chính phủ Sanchez - tuyên bố sẽ không ủng hộ ông Sanchez cho đến khi có các biện pháp xây dựng lòng tin và minh bạch hóa về kế hoạch điều tra nội bộ của cơ quan tình báo và một cuộc điều tra riêng biệt của thanh tra viên Tây Ban Nha.