Điện thoại Bphone: “Chưa mua về dùng, xin chớ… ném đá!”

ANTĐ - Một ngày sau sự kiện ra mắt “mẫu smartphone cao cấp đầu tiên của Việt Nam” – Bphone, dư luận vẫn chưa hết nóng bỏng, với 2 luồng ý kiến tranh luận gay gắt. Nhưng có thể dễ dàng nhận ra, trong khi luồng ủng hộ Bphone tỏ ra bình thản, khách quan thì luồng phản đối lại thể hiện sự tiêu cực, “ném đá” dữ dội ngay cả khi chưa chạm tới chiếc smartphone đầu tay của Bkav.

“Ném đá” khi chưa trải nghiệm

Dường như một điểm chung của những người “ném đá” dữ dội Bphone là phần đông chưa chạm tay vào sản phẩm này, những lý lẽ của họ hoàn toàn dựa trên thông tin từ cấu hình, tính năng được các tờ báo và trang thông tin điện tử truyền tải lại.

“Họ có cho dùng thử rộng rãi đâu mà biết? Thậm chí mua cũng không được thử trước, chính sách đổi trả lại thì khắt khe, kiểu như phải hỏng mới được trả”, một người dùng Internet trong “phe” chỉ trích bày tỏ quan điểm của mình.

Song người này cũng đã không thể tìm ra lý lẽ gì phù hợp hơn khi một người dùng khác ủng hộ Bphone “bắt bẻ”: “Nếu chưa được thử thì tại sao lại chê là Bphone kém cỏi?”

Trước khi nói Bphone xứng đáng với giá bán hay không, người đánh giá cần có trải nghiệm thực tế với sản phẩm này

Bản thân anh Trung Hiền (PV công nghệ của một tờ báo tại Hà Nội) có mặt ở sự kiện ra mắt Bphone cũng chỉ nêu ra những đánh giá, nhận xét bên ngoài của sản phẩm để thể hiện sự hài lòng, trong khi anh từ chối nói về hiệu năng của máy bởi chưa được cầm Bphone để trải nghiệm nhiều.

Bình luận về tình trạng tranh luận nảy lửa hiện nay xoay quanh chủ đề Bphone, anh Triệu Hùng (chuyên gia truyền thông) bày tỏ: “Người Việt chúng ta thường suy nghĩ và hành động nặng về tình, nên dễ sinh ra những điều thái quá. Chẳng hạn như khi cảm thông, chia sẻ về một hoàn cảnh hay vấn đề nào đó thì đa số đều hết lòng ca ngợi không tiếc lời, thậm chí ủng hộ vật chất không tiếc tay. Nhưng một khi đã không ưa, ghét rồi thì rất khó nhìn nhận khách quan. Chê, chê và… ném đá là hiệu ứng gần như tức thời, quyết liệt”.

“Với một người không phải dân công nghệ như tôi thì Bphone vẫn còn là ẩn số. Điều tôi chờ đợi không phải là sự chỉ trích từ xa, mà là những bài đánh giá trải nghiệm thực sự của người dùng mẫu điện thoại này. Đó mới thực là nguồn thông tin đáng tin cậy, có cơ sở và trách nhiệm”, anh Hùng kết luận.

Trong khi đó, một người dùng Facebook có tên Chau Do thì đặt câu hỏi: “Các bạn ơi, nếu chưa bỏ tiền mua để dùng thì xin các bạn đừng bình phẩm “dìm hàng”. Dẫu sao đây cũng là sản phẩm có nhiều dấu ấn Việt Nam. Các bạn mắng anh Quảng nổ thì thử nghĩ xem việc “ném đá” hàng Việt ngay cả khi chưa sở hữu và dùng nó thì có phải là nổ không?”

Ngoài ra, những người chỉ trích Bphone hiện nay còn nhầm lẫn đáng kể khi cho rằng lời kêu gọi “ủng hộ hàng Việt” đối với mẫu smartphone đầu tay của Bkav là lợi dụng “chủ nghĩa dân tộc” để… bán hàng.

Cần hiểu việc ủng hộ thương hiệu Việt là sự thể hiện qua những nhìn nhận, đánh giá khách quan chứ không phải là "mua ủng hộ"

Anh Cao Phong – một nhà báo hiện đang công tác và sinh sống tại Nhật Bản – bày tỏ: “Bphone là một mẫu điện thoại thực sự do người Việt tạo ra, điều đó đáng khích lệ. Và lời kêu gọi ủng hộ hàng Việt thực chất chỉ là thái độ công tâm khi đánh giá sản phẩm này. Không nên hiểu chủ nghĩa dân tộc ở đây là nên mua Bphone chỉ vì nó là… hàng Việt. Đây là một sản phẩm kinh doanh, thị trường sẽ quyết định nó thành công hay thất bại, đúng như bình luận gần đây trên báo ANTĐ Online”.

Nhân đây, anh Cao Phong chia sẻ thêm câu chuyện từ Nhật Bản: “Nước Nhật thời kỳ hậu chiến đã từng xuống tinh thần một cách tệ hại. Tâm lý của kẻ thua trận thì nó tồi tệ tới mức nào. Và cái giúp họ được như ngày hôm nay phần lớn là nhờ niềm tự hào dân tộc, biết đứng dậy từ ngay chỗ mình ngã. Điệu nhảy Yosakoi là biểu tượng cho sự khích lệ tinh thần vượt qua khó khăn và đoàn kết cộng đồng của họ. Họ đã làm được vì tình đoàn kết, lòng vị tha. Đừng để câu chuyện Flappy Bird hay Công viên nước Hồ Tây lặp đi lặp lại thành một điệp khúc nữa. Nó quẩn quanh và bế tắc lắm!”

Bphone cần gì để thành công?

Bỏ qua sự chỉ trích hay ủng hộ, có những người dùng đã thẳng thắn nhìn vào vấn đề: Bphone cần gì để thành công?

Khi đưa sản phẩm này ra thị trường và cạnh tranh sòng phẳng với các mẫu smartphone đối thủ thì sự hiệu quả, tiện ích mới là yếu tố đáng bàn.

Anh Lê Minh – một người dùng công nghệ có kinh nghiệm đã sử dụng qua nhiều thế hệ iPhone cùng các mẫu smartphone cao cấp khác chạy nền tảng Android, Windows Phone, BlackBerry OS – đã chia sẻ thẳng thắn về quan điểm mua và sử dụng điện thoại thông minh của mình.

Theo anh Minh, những mẫu smartphone có thiết kế “đẹp long lanh” không phải là hiếm, loại smartphone có camera siêu chất lượng (hơn 40-megapixel) đã có, và cả những mẫu smartphone được khen ngợi về thiết kế, cấu hình cùng giá bán hấp dẫn cũng vẫn đang tồn tại trên thị trường. Song lý do khiến anh gắn bó trung thành với “dế” iPhone chính là hệ sinh thái ứng dụng vô cùng tiện lợi mà Apple dày công gây dựng. Gần như bất kỳ nhu cầu nào trong công việc, giải trí hay tiện ích cá nhân của anh đều được kho ứng dụng Apple App Store đáp ứng hoàn hảo với những phần mềm thực sự chất lượng. Nếu Bphone không xây dựng được hệ sinh thái ứng dụng hiệu quả như vậy thì sẽ rất khó để thu hút người dùng, bởi như đã nói, thiết kế đẹp, cấu hình cao hay giá bán hấp dẫn đều là những yếu tố đã được các nhà sản xuất smartphone khác khai thác từ trước.

Rất nhiều khó khăn vẫn đang "rình rập" chờ đón Bkav và Bphone ở trước mắt

Dù vậy, cần phải lưu ý rằng để xây dựng được hệ sinh thái ứng dụng riêng là rất khó khăn, thậm chí nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã thất bại với tham vọng này. Chẳng hạn như hãng BlackBerry của Canada, sau một thời gian dài lôi kéo các nhà phát triển ứng dụng đóng góp sản phẩm cho gian hàng phần mềm trực tuyến của họ thì tới giờ cũng đã “buông xuôi”. Trong khi đó, hệ sinh thái ứng dụng kém phong phú cũng là điểm yếu của nền tảng Windows Phone, dù cho “gã khổng lồ” Microsoft vẫn đang miệt mài đầu tư và kêu gọi giới phát triển quan tâm.

*****

Nếu nhìn vào những khó khăn mà Bphone và nhà sản xuất Bkav phải đối mặt trên thị trường thì chắc chắn nhiều người sẽ phải nản lòng. Nhưng doanh nghiệp Việt này vẫn quyết tâm vượt qua trở ngại, đó mới là điểm sáng để chúng ta ủng hộ - không phải trên khía cạnh “mua ủng hộ vì là hàng Việt” – mà là hãy có những nhìn nhận, đánh giá khách quan với sản phẩm tiên phong của một hãng dám nghĩ, dám làm.