Điện, than “đè” lên giá

(ANTĐ) - Thị trường Hà Nội đang ổn định hơn khi giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được dự báo sẽ chưa biến động mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc đề nghị đưa giá điện, than theo thị trường vẫn là một trong số những yếu tố gây áp lực lên giá cả.Giá thịt lợn sẽ “hạ nhiệt” Nguồn cung thịt lợn trên địa bàn thành phố vẫn khá ổn định sẽ là căn cứ để giá bán mặt hàng này “hạ nhiệt” trong tháng 7. Sở Công Thương Hà Nội cho hay, do không mắc phải các bệnh nguy hiểm như: tai xanh, long móng lở mồm… nên số lợn xuất chuồng cũng như sản lượng thịt lợn hơi của Hà Nội tăng so với cùng kỳ năm trước khoảng hơn 4%. Sắp tới, khi dịch bệnh tại một số địa phương được khống chế, người chăn nuôi tập trung tái đàn, nguồn cung dồi dào thì những tháng cuối năm sẽ cân bằng được cung cầu và giá sẽ giảm. Giá thịt lợn giảm sẽ giúp người dân bớt một nỗi lo bởi đây là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhu cầu tiêu thụ cao. Thịt lợn tăng giá cũng kéo theo một số loại thực phẩm khác nhích giá lên. Mặt khác, sang tháng 7, chương trình bình ổn giá của Hà Nội cũng bắt đầu được triển khai tại một số siêu thị, doanh nghiệp trên địa bàn. “Với nguồn cung hàng hóa bình ổn chiếm khoảng 20% nhu cầu thị trường được bán với giá bình ổn sẽ có tác động lan tỏa kéo mặt bằng giá thị trường chung không tăng quá cao”- một chuyên gia kinh tế phân tích.
Điện, than “đè” lên giá   ảnh 1
Nhiều bà nội trợ chọn cá thay cho thịt đang đắt đỏ
Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với những yếu tố thuận lợi như trên, lương thực có thể giữ ổn định hoặc giảm giá trong thời gian tới. Song trái ngược với xu hướng vận động này, giá rau xanh, hoa quả sẽ nhích lên do bước vào thời kỳ gối vụ, mặt hàng này sẽ hết tình trạng dồn ứ về nguồn cung như hiện nay. Mặt hàng tiêu dùng được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá là thủy hải sản. Nguyên nhân là do lãi suất, giá thức ăn chăn nuôi, chi phí điện, xăng dầu… vẫn đang đè nặng lên người nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Bên cạnh đó, dịch bệnh thủy sản vẫn diễn biến phức tạp tác động lên giá cả nhóm hàng này. Các chuyên gia kinh tế cho hay, giá cả thị trường đang có những điểm sáng về nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, song mối lo lắng tăng giá vẫn chưa chấm dứt khi xu thế giảm giá chỉ được xem là tạm thời. Giá cả thị trường tiếp tục đứng ở mức cao khi người sản xuất, người buôn bán vẫn có tâm lý nhấp nhổm không muốn giảm giá vì những thông tin đề nghị đưa giá điện, than theo thị trường, giá nguyên vật liệu (trong đó có xăng dầu và phân bón) trên thế giới diễn biến phức tạp, dịch bệnh khó dự đoán, nhập siêu gây áp lực lên tỷ giá USD/VND, cắt điện tại một số vùng có thể gây mất cân đối cục bộ. Dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 7 vẫn cao, nhưng có xu hướng giảm. Biên độ tăng khoảng 0,8-1% so với tháng 6.Giá cao, hàng tiêu thụ chậm Thực tế thời gian qua trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá thịt lợn diễn biến không theo quy luật. Cụ thể, thịt lợn tăng thêm từ 3.000-7.000 đồng/kg; thịt gà tăng khoảng 3.000 đồng/kg; trứng vịt tăng thêm từ 3.000-5.000 đồng/chục quả… Theo quy luật của những năm trước, vào các tháng mùa hè, thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ đối với các loại thịt lợn giảm từ 5-7% nên giá bán thường khó tăng. Tuy nhiên năm nay, “do mặt hàng này bị thương nhân Trung Quốc thu gom với số lượng lớn, cộng với các chi phí đầu vào tăng cao làm giá bán tăng, sức mua của người dân giảm xuống chỉ còn chưa đầy 50% lượng thịt tiêu thụ so với trước”’- lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho hay. Không chỉ tăng cao tại các chợ truyền thống, nhiều siêu thị lớn trên địa bàn thành phố cũng phải tăng giá bán một số mặt hàng theo đề nghị của nhà cung cấp. Ví dụ như: thịt lợn, thịt bò thăn, gà ta, nghêu, thủy hải sản… Chị Dương - bán hàng tại chợ Trung Hòa cho biết: “Giá thịt lợn tăng cao nên sức mua của người dân giảm rõ rệt. Thêm vào đó, thời tiết nắng nóng khiến chúng tôi cũng không dám nhập nhiều hàng về”. Nhiều người tiêu dùng đã chuyển thành phần bữa ăn từ thịt sang cá. “Cá cũng tăng giá nhưng mùa hè dễ ăn hơn thịt. Tôi thường lựa chọn mua đầu cá với giá 55.000 đồng/kg về nấu canh chua hoặc mua cá rô phi loại 4 lạng/con giá 45.000 đồng/kg về rán”- chị Xuyên (phố Nguyễn Thị Định - Trung Hòa) chia sẻ. Được biết, cùng loại thực phẩm nhưng giá bán tại các chợ trung tâm thành phố với các chợ nhỏ, chợ khu vực giáp nội thành chênh nhau đến 20.000 đồng/kg.