Diễn biến phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên, chiều 28-11

ANTĐ - Chiều nay (28-11), phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm bước vào phần thẩm vấn. Trong đó, HĐXX đã phải dành phần lớn thời gian vào việc tóm tắt lại nội dung vụ án cũng như các quyết định tại bản án sơ thẩm.

13h55, HĐXX bước vào hội trường xử án, trong khi đó một số người được triệu tập bổ sung hoặc vắng mặt vào buổi sáng đã có mặt tại phiên tòa. Trước khi tập trung thẩm vấn làm rõ từng hành vi của Nguyễn Đức Kiên cũng như các bị cáo liên quan, tòa án đã tóm tắt lại nội dung và các quyết định tại bản án sơ thẩm.

              Khi HĐXX tóm tắt lại nội dung vụ án, Nguyễn Đức Kiên chăm chú lắng nghe
​ 
Theo đó, về hành vi kinh doanh trái phép, bản án sơ thẩm xác định bị cáo Kiên đã thông qua 6 công ty gồm: Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B, Công ty CP Tập đoàn tài chính Á Châu, Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty CP Đầu tư Tài chính Á Châu, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội và Công ty CP Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam để tổ chức kinh doanh cổ phần, cổ phiếu và kinh doanh vàng với tổng số tiền gần 21,5 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, từ ngày 15-5-2007 đến 3-8-2012, bị cáo Kiên đã thông qua 5 doanh nghiệp (trừ Công ty CP Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam) để kinh doanh cổ phần, cổ phiếu. Trong khi đó, giấy đăng ký kinh doanh của của cả 5 công ty này có rất nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng không hề có chức năng kinh doanh tài chính.

Quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm, bị cáo Kiên xác nhận đã đầu tư vào việc góp vốn, mua bán cổ phần, cổ phiếu tại các doanh nghiệp nhằm mục đích kinh doanh sinh lời. Dù bị cáo Kiên cho rằng doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có quyền kinh doanh các ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, cấp tòa sơ thẩm khẳng định, quá trình kinh doanh, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ hoạt động theo đúng ngành, nghề đã ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Cấp tòa sơ thẩm xác định, Nguyễn Đức Kiên là người thành lập doanh nghiệp, khi kê khai hồ sơ đăng ký kinh doanh đã không kê khai ngành nghề kinh doanh cổ phần, cổ phiếu, nhưng trong một thời gian dài vẫn cố ý thực hiện việc này. Do đó đã vi phạm quy định tại Điều 159-BLHS, “kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký kinh doanh”.

Về hành vi kinh doanh vàng trái phép, cấp tòa sơ thẩm nhận định giấy phép kinh doanh của Công ty Thiên Nam chỉ là sản xuất hàng may mặc, thêu ren, xuất nhập các sản phẩm ngành công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ…, song hoàn toàn không có chức năng kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn kinh doanh vàng.

Quá trình doanh nghiệp này kinh doanh trái phép, tuy bị cáo Kiên không trực tiếp ký lệnh mua bán vàng trạng thái, song lại giữ vai trò quyết định việc kinh doanh bất hợp pháp của doanh nghiệp. Mặc dù bị cáo Kiên nại ra rằng giá vàng cũng là hàng hóa và doanh nghiệp được phép kinh doanh hàng hóa, song theo quy định của pháp luật hoạt động kinh doanh vàng thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện và phải có giấy phép.

Về hành trốn thuế, theo tóm tắt bản án sơ thẩm của HĐXX phúc thẩm, Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B (Công ty B&B) được thành lập trên cơ sở Nguyễn Đức Kiên giữ chức Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luât; bà Đặng Ngọc Lan (vợ Kiên) làm Tổng giám đốc và em gái Kiên, bà Nguyễn Thúy Hương làm ủy viên.

Theo chỉ đạo của Kiên, bà Đặng Ngọc Lan đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Ngân hàng ACB để thực hiện các giao dịch đầu tư tài chính, thông qua việc kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Cùng với hợp đồng này, vợ và em gái Kiên cũng ký với nhau một hợp đồng ủy thác kinh doanh nhằm chuyển hóa lợi nhuận từ pháp nhân sang cá nhân. Bằng “mánh lới” này, năm 2009, Công ty B&B đã trốn hơn 25 tỷ đồng tiền thuế phải nộp.

Với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bản án sơ thẩm đã xác định, Công ty TNHH Một thành viên Thép Hòa Phát và Công ty CP Thép Hòa Phát đều là các “công ty con” của Tập đoàn Hòa Phát, nhưng hoạt động độc lập và có con dấu, tài khoản riêng. Tháng 5-2012, Nguyễn Đức Kiên thỏa thuận bán 20 triệu cổ phiếu của Công ty CP Thép Hòa Phát, thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư ACB cho Công ty TNHH Thép Hòa Phát.

Thế nhưng trên thực tế, toàn bộ số cổ phần đó đã được thế chấp tại Ngân hàng ACB. Trong khi chưa được bên nhận thế chấp đồng ý bằng văn bản thì Kiên vẫn chỉ đạo Trần Ngọc Thanh ký hợp đồng bán 20 triệu cổ phiếu cho Công ty NHHH Thép Hòa Phát. Với phi vụ mua bán này, bị cáo Kiên cùng đồng phạm đã chiếm đoạt của đối tác 264 tỷ đồng.

Đối với Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến, mặc dù biết việc mua bán cổ phiếu với Công ty TNHH Thép Hòa Phát là không ngay thẳng, đàng hoàng nhưng vẫn làm theo sự chỉ đạo của bị cáo Kiên nhằm chiếm đoạt tiền bất chính. Cấp tòa sơ thẩm khẳng định việc làm này của Kiên cùng đồng phạm đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ.

Trong phần lớn thời gian buổi chiều dành vào việc tóm tắt lại nội dung vụ án, HĐXX phúc thẩm cũng đã nhắc lại quá trình Nguyễn Đức Kiên cùng 5 cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Theo đó, ê kíp lãnh đạo này đã chỉ đạo cho nhân viên mang tiền sang ngân hàng Vietinbank gửi để lấy lãi và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt gần 719 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Kiên khẳng định giữ nguyên nội dung kháng cáo đối với cả 4 tội danh, đồng thời vẫn cho rằng không phạm bất kỳ một tội danh nào mà cấp tòa sơ thẩm đã quy kết. Tương tự, các bị cáo Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn (đều từng là lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng ACB) lần lượt cho rằng không phạm tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệp trọng” và kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đồng thời xin được hưởng án treo.

Cuối giờ chiều nay, HĐXX bước đầu thẩm vấn những người liên quan xoay quanh hành vi kinh doanh trái phép của bị cáo Kiên. Thứ Hai (ngày 1-12), phiên tòa xét xử phúc thẩm cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cùng đồng phạm tiếp tục.