Điểm yếu chí tử khiến Liêu Ninh mới chỉ là tàu sân bay hạng 2

ANTĐ - Trang mạng Flightglobal vừa có bài viết ngắn cho biết, Liêu Ninh còn 1 điểm yếu rất lớn khiến tàu sân bay Trung Quốc chưa thể sánh được với Pháp, Brazil chứ đừng nói là Mỹ.

Flightglobal là một trang mạng rất có uy tín trong giới hàng không trên thế giới. Ngày 04/07 vừa qua, trang mạng này đã có bài viết đánh giá những thành tựu thu được trong chuyến hải hành tầm xa của Tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc trong thời gian vừa qua.

Bài viết cho biết, trong chuyến hành trình tầm xa kéo dài 25 ngày này, máy bay tiêm kích hạm J-15, các sĩ quan chỉ huy bay và phi công của Liêu Ninh chính thức được cho phép bay trên tàu sân bay. Điều này đã đưa Trung Quốc trở thành một trong vài nước trên thế giới có khả năng tự bồi dưỡng, huấn luyện phi công bay trên tàu sân bay.

Flightglobal còn đề cập đến vấn đề, vào tháng 4 năm nay một quan chức quân sự cao cấp của Trung Quốc đã tiết lộ, Trung Quốc đang có kế hoạch đóng những hàng không mẫu hạm lớn hơn Liêu Ninh, có thể mang thêm rất nhiều máy bay so với Liêu Ninh.

J-15 cất cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh

Ước mơ của người Trung Quốc về hàng không mẫu hạm tương lai là nó không chỉ mang được các máy bay chiến đấu, mà còn dung nạp được nhiều loại khác như: Máy bay trinh sát, máy bay dự cảnh, máy bay chống ngầm, máy bay tác chiến điện tử và máy bay cánh quạt kiểu như V-22 Osprey của Mỹ.

Flightglobal phân tích, liên đội không quân tổng hợp trên tàu sân bay yêu cầu nó phải có đầy đủ 2 yếu tố, là máy phóng để hỗ trợ cất cánh và cáp hãm đà để hỗ trợ hạ cánh (CATOBAR). Hiện nay, trong số các cường quốc tàu sân bay trên thế giới chỉ có Mỹ, Pháp và Brazil là có đầy đủ năng lực trên.

Thế nhưng, Liêu Ninh hiện chỉ có khả năng “cất cánh ngắn và chặn hạ cánh” (STOBAR), hỗ trợ máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng. Nhưng loại máy bay dự cảnh E-2C và 1 số loại máy bay khác trên tàu sân bay Mỹ đều phải có máy phóng để hỗ trợ cất cánh.

Vì vậy, muốn phát triển một tàu sân bay đúng nghĩa của nó, tức là dung nạp được tất cả các loại máy bay khác nhau, thì Liêu Ninh nhất thiết phải có loại trang bị này. Nếu không, Liêu Ninh sẽ không bao giờ trở thành một hàng không mẫu hạm đầy đủ năng lực tác chiến. Hiện giờ, Liêu Ninh không thể sánh được với bất cứ tàu sân bay nào của các nước nói trên.

Tàu sân bay NAe São Paulo của Brazil là lối thoát cho hải quân Trung Quốc?


Tự lực phát triển trang bị này không phải là điều đơn giản và rất tốn kém thời gian. Chính vì vậy, vấn đề Bắc Kinh đạt được thỏa thuận với Brazi, để đào tạo phi công tiêm kích hạm Trung Quốc trên tàu sân bay NAe São Paulo, ngay từ cuối năm 2009 đang đặt cho người ta rất nhiều câu hỏi, phải chăng đó là bước đi tính trước tương lai của Bắc Kinh?

Do lệnh cấm vận của EU đối với Trung Quốc, Pháp không thể thực hiện hợp tác huấn luyện kỹ thuật tàu sân bay cho Hải quân Trung Quốc. Hải quân Anh hiện chỉ có tàu sân bay sử dụng kỹ thuật cất cánh STOVL (cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng). Do đó, Brazil với tàu NAe São Paulo trở thành lựa chọn duy nhất của Trung Quốc, nếu họ định đưa vào sử dụng tàu sân bay sử dụng kỹ thuật cất cánh CATOBAR.

Thế nhưng huấn luyện phi công trên đó nhưng Liêu Ninh và các tàu sân bay tương lai của Trung Quốc không có máy phóng thì có ích gì? Họ sẽ tự chế tạo được hay "tìm kiếm" ở đâu? Đó là câu hỏi lớn đối với các chuyên gia quân sự trên thế giới.