“Điểm tựa” trong mùa nước rút

ANTĐ - Dường như trên những dòng sông chỉ tồn tại 2 mùa cơ bản, đó là mùa lũ và khi nước cạn. Sau những tháng ngày nước dâng mênh mông, cuồn cuộn chảy từ thượng nguồn đổ về hạ lưu thì nay, dòng sông Hồng lại đang khát cháy. Những con thuyền nối đuôi nhau dò dẫm từng mớm nước.

Lực lượng CSGT đường thủy kiểm tra, nhắc nhở các thuyền trưởng chấp hành nghiêm
Luật Giao thông, phòng chống tai nạn

Trong sân Đội CSGT đường thủy số 2 được CBCS trổ một lối đi khá lớn chạy thẳng xuống sông Hồng, nơi những chiếc xuồng đặc chủng lúc nào cũng trong tư thế chờ sẵn để lên đường. Cách đây chỉ chừng hơn một tháng, mực nước sông Hồng lúc nào cũng mấp mé bậc trên cùng, có hôm trên thượng nguồn lũ lớn nước đổ về nhiều còn tràn cả vào sân. Vậy mà giờ đây nếu muốn xuống sông, những người CSGT đường thủy phải bước qua hàng chục bậc dưới lối sâu hun hút. 

Khuôn mặt sạm nắng, Trung tá Phan Văn Tuấn – Đội phó Đội CSGT đường thủy số 2 lúc nào cũng tất bật. Cong người đẩy mũi xuồng ra xa, Trung tá Phan Văn Tuấn lo lắng: “Cứ theo đà này thì có lẽ sẽ xuất hiện thêm nhiều điểm khan cạn lắm đây”. Cũng giống như những đồng nghiệp đường bộ, đường sắt, CBCS CSGT đường thủy chẳng mấy khi được nghỉ, bởi công việc, nhiệm vụ lúc nào cũng bộn bề. Mùa nước lũ thì lo tàu thuyền bị sóng, mưa to gió lớn đánh chìm còn nay đến khi nước cạn lại phải đối mặt với nguy cơ tàu phơi nắng. Ngoài 3 điểm nằm trong nguy cơ khan cạn như thượng lưu cầu Thăng Long, ngã ba Cầu Dâu, Bắc Biên và khu vực Bác Cổ qua địa bàn phường Chương Dương, còn nhiều khu vực mực nước hiện nay đã xuống rất thấp. Ở một số điểm, khu vực, thay vì tàu thuyền đi xuôi, ngược dòng ở hai bên bờ sông thì nay đã đi chung một lối. Có điểm mực nước chỉ sâu chừng hơn 3 mét. Với mực nước này, tàu nhỏ vẫn dễ dàng đi qua nhưng đối với tàu thuyền có trọng tải lớn, nguy cơ mắc cạn rất cao.

“Đối với những thuyền trưởng đã quen luồng lạch thì họ sẽ dễ dàng nhận biết được điểm nào bị khan cạn, còn các thuyền trưởng mới đi điều này là rất khó khăn” – Trung tá Đỗ Thế Dự - Đội trưởng Đội CSGT đường thủy số 2 cho biết. Công việc như đã thành nếp, từ đầu tháng 10 đến nay, các tổ công tác của đơn vị phải tăng cường tuần tra, cảnh báo cho các chủ tàu thuyền biết để kịp phòng tránh. Hệ thống phao tiêu, biển báo trên dọc tuyến sông nơi địa bàn quản lý cũng được Đội CSGT đường thủy số 2 rà soát, kiểm tra, kịp thời đề xuất các đơn vị chức năng có liên quan điều chỉnh, sửa chữa hoặc bổ sung phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài những điểm dễ xảy ra khan cạn, đơn vị còn triển khai một tổ công tác ứng trực tại khu vực đang thi công cầu Nhật Tân. Tổ công tác này cũng bao quát cả khu vực cầu Thăng Long, hướng dẫn, cảnh báo kịp thời cho các tàu thuyền đi vào đúng luồng lạch, phòng ngừa không để xảy ra va chạm, tai nạn hay bất cứ sự cố đáng tiếc nào.

Thêm một nhiệm vụ nặng nề trong mùa nước khan cạn đó chính là phòng chống “sa tặc”. Khi đêm xuống, ở đôi ba chỗ, khu vực khuất, vắng người giáp ranh với các tỉnh thành khác vẫn xuất hiện số đối tượng là những người ở địa phương khác đến, thoắt ẩn, thoắt hiện hút trộm cát, với đầy thủ đoạn tinh vi khiến cho công tác bắt giữ, xử lý của CSGT đường thủy gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế nhiệm vụ đã đòi hỏi lực lượng CSGT đường thủy không chỉ biết đến tuần tra xử lý mà còn trở thành những trinh sát, điều tra viên tinh thông trong đánh án hình sự. Con số hơn 20 phương tiện và hàng chục đối tượng khai thác cát trái phép từ đầu năm đến nay đã bị CSGT đường thủy số 2 phát hiện, bắt giữ chẳng thể nào phản ánh hết được những nỗi vất vả, khó khăn và cả hiểm nguy mà CSGT đường thủy đã trải qua và chiến thắng.