Điểm thi chênh lớn vì cố tình học lệch

ANTĐ - Việc thí sinh có mức điểm quá chênh lệch trong 4 môn thi THPT quốc gia không còn là chuyện hiếm. Thậm chí, có những trường hợp đạt điểm cao ngất ngưởng ở tổ hợp môn xét tuyển đại học nhưng các môn còn lại thấp dưới điểm trung bình. 

Điểm thi chênh lớn vì cố tình học lệch  ảnh 1Học lệch - tình trạng của đa số thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay

Nhiều thí sinh dốt ngoại ngữ

Thống kê phổ điểm kết quả các môn thi THPT quốc gia cho thấy, môn Tiếng Anh là môn có điểm thi dưới trung bình cao nhất. Điểm thi môn Tiếng Anh năm nay cũng được cho rằng khá thấp, nhiều bài thi bỏ phần tự luận. Cũng ở môn thi này, có đến hơn 88% thí sinh có điểm liệt và điểm dưới trung bình. Chỉ tính khung điểm từ 2 đến 2,5, môn này đã có gần 200.000 bài thi chỉ đạt mức này. Tiếng Anh là môn đứng đầu trong số 8 môn thi có điểm thi dưới trung bình nhiều nhất. Cả nước chỉ có 1.756 thí sinh có điểm từ 9 trở lên, trong đó 10 thí sinh đạt điểm 10 tuyệt đối.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT  Bùi Văn Ga cho rằng, đề thi tiếng Anh thật ra không khó. Năm nay, Bộ muốn kiểm tra đồng đều các kĩ năng nên đã thêm cả phần tự luận. Việc các em bỏ trắng phần tự luận không phải do đề khó mà vì các em tập trung nhiều sức lực khi làm phần trắc nghiệm nên lúc làm tự luận đã không có đủ thời gian. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho biết, đối với những thí sinh chuyên khối D hay A1 có điểm rất cao vì có sự đầu tư, còn các thí sinh tại các vùng khó khăn do điều kiện giáo dục chưa được đảm bảo nên chất lượng điểm thi không cao.

Môn Toán cũng gây bất ngờ với số lượng thí sinh bị điểm liệt cao nhất. Chỉ có 9.319 thí sinh đạt điểm 9 trở lên, chiếm 1,13%. Có tổng cộng 8 thí sinh đạt điểm 10. Ngược lại, có đến 14.619 thí sinh đạt điểm liệt, tương ứng 1,77%. Đối với môn Lịch sử, số bài thi đạt 3 điểm chiếm tỷ lệ cao nhất với 4.219 bài thi trong khung từ 0 đến 10 điểm. Chỉ có 5 bài thi được 10 điểm trong khi có tới hơn 2.000 bài từ 1 điểm trở xuống với hơn 300 bài 0 điểm.

Chỉ tập trung vào đại học

Có thể thấy 3 môn nói trên thuộc 3 tổ hợp môn khác nhau, đại diện cho khối A, D và C. Việc thí sinh khối A bị điểm kém ở môn khối C và D hoặc tương tự là thực tế đang được các thí sinh chấp nhận khi mục tiêu là xét tuyển đại học. Việc công bố điểm năm nay cho thấy vấn đề chênh lệch điểm khá lớn qua những gương mặt thủ khoa hoặc những thí sinh có điểm số cao ngất ngưởng.

Một trong những trường hợp đặc biệt chênh lệch điểm số khiến khá nhiều người ngạc nhiên là em N.H. Giang, học sinh chuyên Toán trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Hà Nội. Kết thúc kì thi THPT 2016, tổng điểm Giang đạt được sau 5 môn thi là 35,38. Cụ thể: Toán: 9,5, Hóa học: 9,8, Sinh học: 9,2, Tiếng Anh: 3,38, Ngữ Văn: 3,5. Có thể thấy thí sinh này “đuối” hẳn ở môn Ngoại ngữ và Ngữ văn khi thậm chí không đạt cả mức điểm trung bình. Tuy nhiên, điều quan trọng là thí sinh này đã đạt mức điểm cao ở 3 môn trong tổ hợp khối B và hoàn toàn có thể tự tin đăng ký xét tuyển vào các trường “hot” như ĐH Y, ĐH Dược Hà Nội.

Một nữ sinh gần đây thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng khi xuất hiện trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia là Phạm Tường Lan Thy, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM. Nữ sinh này là một trong 3 em bé đầu tiên tại Việt Nam sinh ra bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Kết quả thi THPT quốc gia của Lan Thy cũng chỉ đạt ở mức trung bình, trong đó riêng môn Lịch sử chỉ đạt 3,75 điểm. Dù kết quả không cao nhưng Lan Thy cho biết, mục tiêu của mình là đạt đủ điều kiện xét tốt nghiệp THPT để đi du học nên không quá quan trọng điểm cao hay thấp. 

Có thể thấy, việc thí sinh đạt kết quả trung bình trong kỳ thi năm nay nhiều đến vậy một phần lớn là do thí sinh có tư tưởng chỉ tập trung vào những môn thi để xét tuyển ĐH. Các môn còn lại chỉ cần tránh bị điểm liệt để đủ điều kiện được công nhận tốt nghiệp THPT. Tình trạng thi gì học nấy  hay còn gọi là học lệch cũng là hiện tượng phổ biến trong các trường THPT.