Điểm sáng kinh tế Việt Nam

ANTĐ - Kinh tế Việt Nam trở thành một điểm sáng của kinh tế thế giới và khu vực với tốc độ tăng trưởng gần 7% năm 2016, trong khi tốc độ tăng trưởng của một số nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Brazil… chững lại.

Điểm sáng kinh tế Việt Nam ảnh 1

Các tổ chức đánh giá kinh tế thế giới cũng cho rằng với tốc độ tăng trưởng cao nền kinh tế Việt Nam là một điểm sáng trong khu vực và thế giới

Theo kết quả cuộc khảo sát được Hãng tin Bloomberg công bố ngày 17-1, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, mức tương tự năm 2015. Với tốc độ tăng trưởng khá cao này, Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới trong năm nay khi mà các nền kinh tế mới nổi như: Nga, Brazil và Trung Quốc… có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng trên trong bối cảnh vẫn phải chịu những tác động tiêu cực từ bất ổn kinh tế bên ngoài. Theo Bloomberg, nhu cầu trong nước tăng cao cùng với sự bùng nổ từ các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là những nhân tố giúp Việt Nam chống lại tác động từ các mối đe dọa toàn cầu, vốn đã tạo ra làn sóng bán tháo cổ phiếu và sự mất giá tiền tệ thời gian qua trong khu vực.

Hãng thông tấn quốc tế chuyên về kinh tế đưa ra những thông tin tích cực trên trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu sự chuyển tiếp nhiệm kỳ lãnh đạo mới trong Đại hội Đảng lần thứ XII tuần này. Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2016-2020 cho thấy, Việt Nam sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình hàng năm là 7%. 

Trước đó, tổ chức có uy tín toàn cầu khác là Quỹ xếp hạng tín nhiệm Standards & Poor (S&P) hồi trung tuần tháng 12-2015 cũng công bố báo cáo nhận định rằng "kinh tế Việt Nam đang bắt đầu khởi sắc", trong khi kinh tế hầu hết các nước châu Á khác đang phát triển chậm lại. Nhận định của  S&P cho thấy, 4 năm trước, kinh tế Việt Nam vẫn còn “vật lộn” với các khoản nợ xấu, song đến nay, Việt Nam đã thu hút được vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu và giá cả trên thế giới giảm sút.

Theo đó, xuất khẩu hàng điện tử của Việt Nam tăng mạnh nhất với 33%/năm trong vòng 3 năm qua, chiếm 18-29% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi hàng dệt may chiếm 20% xuất khẩu. Đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 3 năm 2012-2014 đã tăng gấp đôi so với 3 năm trước đó. Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore là 3 nước đầu tư nhiều nhất, chiếm lần lượt 22%, 22% và 16% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

S&P cho rằng, lực lượng lao động đông đảo của đất nước 91 triệu dân cùng với năng suất gia tăng cao do được cung cấp các trang thiết bị tiên tiến là nhân tố quan trọng tạo lợi thế tăng trưởng cho Việt Nam. Bên cạnh đó, mức lương trung bình hàng năm của công nhân Việt Nam hiện gần 2.000 USD/năm, so mức lương trung bình gần 8.000 USD/năm của công nhân Trung Quốc là một lợi thế khác để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài.

Tín hiệu lạc quan của kinh tế Việt Nam không chỉ hiển hiện trong thời gian trước mắt mà còn thấy ở triển vọng xa hơn. Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 7-1 vừa qua dự báo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang lại động lực kinh tế chủ yếu cho Việt Nam, cùng với các nước Nhật Bản và Malaysia trước năm 2030.

Trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế toàn cầu",  WB cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ được thúc đẩy mạnh nhất với mức tăng trưởng có thể đạt gần 10%, mức cao nhất trong số 12 nước thành viên TPP, nhờ các sản phẩm dệt may và ngành công nghiệp may mặc của Việt Nam được tiếp cận một cách ưu đãi vào thị trường Mỹ và các thị trường chủ chốt khác tham gia TPP.