- Hà Nội đẩy mạnh xét xử trực tuyến: Hướng pháp luật đến sự công khai, minh bạch và gần dân hơn
- Vụ án hành chính đầu tiên được xét xử trực tuyến tại Tòa án Hà Nội
- Xét xử trực tuyến các vụ án, xu hướng tất yếu nhưng không dễ hiện thực hóa
Đi đầu trong xét xử trực tuyến
Nói về hoạt động xét xử trực tuyến các vụ án, Chánh án TAND quận Long Biên (Hà Nội) khẳng định, đây là xu hướng tất yếu trong cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị.
Trên tinh thần Nghị quyết 49/NQ-TW, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến và TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến…
|
Chánh án TAND quận Long Biên - Nguyễn Thị Hồng Hà. |
Với TAND quận Long Biên, ngay từ những ngày đầu của năm công tác 2023, đơn vị đã xác định, tổ chức hiệu quả hoạt động xét xử trực tuyến sẽ góp phần tăng số lượng và nâng cao chất lượng giải quyết các loại án. Vì thế lãnh đạo đơn vị đã thống nhất với các thẩm phán về công tác xét xử trực tuyến trên tinh thần, quyết tâm cao.
Theo đó, thứ nhất là chú trọng công tác chuẩn bị, nghiên cứu hồ sơ, tuyên truyền, thông tin về xét xử trực tuyến. Ngay sau khi được phân công hồ sơ vụ án, Thẩm phán chủ toạ phiên toà phải nhanh chóng nghiên cứu hồ sơ, lên lịch phiên toà, phối hợp với cơ quan công an hỗ trợ tư pháp và đăng ký xét xử trực tuyến với TAND TP Hà Nội.
Sau mỗi phiên toà trực tuyến phức tạp, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên đều họp đánh giá, rút kinh nghiệm. Qua đó, xác định các điểm mạnh và yếu để kịp thời điều chỉnh, cải thiện quy trình và đảm bảo hoạt động xét xử trực tuyến ngày càng hiệu quả hơn.
Tiếp đến, công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm luôn được đề cao. Cụ thể là sau mỗi phiên toà vụ án phức tạp, đơn vị sẽ đăng tải thông tin về việc xét xử trên Cổng thông tin điện tử của TAND Tối cao, TAND TP Hà Nội và Cổng thông tin điện tử của quận Long Biên để mỗi người dân và toàn xã hội hiểu rõ về phương thức, ý nghĩa to lớn của hoạt động xét xử trực tuyến.
Thứ hai là không ngừng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện, điều kiện đảm bảo đáp ứng cho hoạt động xét xử trực tuyến. Bởi tính đến năm 2023, Toà án hai cấp Hà Nội mới lắp đặt được 2 phòng xử trực tuyến tại trụ sở TAND Hà Nội và TAND quận Thanh Xuân. Quá trình xét xử trực tuyến, TAND quận Long Biên nói riêng và các tòa án quận, huyện khác nói chung luôn phải mượn hội trường xét xử của hai đơn vị này.
Thấy rõ sự bất tiện và hiệu quả xét xử bị hạn chế do không chủ động được phòng xử án, trong khi ngành Toà án còn hạn hẹp về tài chính nên đơn vị đã chủ động xin kinh phí hỗ trợ 100% từ HĐND quận Long Biên để lắp đặt, trang bị đầy đủ 1 phòng xét xử trực tuyến. Hiện, phòng xét xử trực tuyến đã hoàn thành và sẽ sớm đi vào hoạt động.
|
Năm 2023, TAND quận Long Biên là đơn vị dẫn đầu về xét xử trực tuyến. |
Về kết quả xét xử trực tuyến trong năm 2023, Chánh án TAND quận Long Biên cho biết, đơn vị đã thực hiện 96 vụ án và là đơn vị dẫn đầu TAND hai cấp của Hà Nội về hoạt động này (vượt 94 vụ so với chỉ tiêu giao của Tòa án nhân dân Tối cao). Điều đó thể hiện rõ sự quyết tâm cao của Ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ công chức trong đơn vị.
Năm 2024, TAND quận Long Biên sẽ nâng cao hơn nữa số lượng, chất lượng giải quyết các loại án qua xét xử trực tuyến, đặc biệt là đối với án hành chính. Bên cạnh việc triển khai tích cực hoạt động xét xử trực tuyến, TAND quận Long Biên còn áp dụng phần mềm “Trợ lý ảo”.
Bằng việc thông tin trên cổng tin điện tử của quận và thông báo tới các tổ dân phố 14 phường trên địa bàn, đơn vị đã tuyên truyền sâu rộng cho công dân về việc nộp đơn khởi kiện qua cổng thông tin điện tử của Toà án, nộp tạm ứng án phí trực tuyến trên cổng dịch vụ công Quốc gia cũng như hướng dẫn người dân tham khảo các bản án trên cổng thông tin điện tử của Toà án.
Và từ năm 2020 đến nay, TAND quận Long Biên đã “số hoá” việc thụ lý, phân công, giải quyết án cũng như lưu trữ hồ sơ các vụ án đã giải quyết, tạo rất nhiều thuận lợi trong hoạt động tư pháp.
Không có án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan
Trước đó, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2024, Chánh án TAND quận Long Biên Nguyễn Thị Hồng Hà đã đóng góp tham luận về giải pháp đột phá nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc.
Tham luận cho thấy, năm 2023, TAND quận Long Biên đã giải quyết 1750/1808 vụ việc, đạt tỷ lệ 96,8%. Các vụ án hình sự đạt tỷ lệ giải quyết 100%, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xét xử oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, không có án bị hủy theo trình tự phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Tỷ lệ giải quyết án hành chính đạt 100%; Án dân sự đạt tỷ lệ 95,6%.
|
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023, TAND quận Long Biên được nhận Cờ thi đua Chính phủ. |
Trong quá trình giải quyết, Thẩm phán kiên trì hòa giải, đối thoại để đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Nhiều vụ án được hòa giải, đối thoại thành hoặc đình chỉ do nguyên đơn rút đơn khởi kiện.
Tại phiên tòa, nguyên tắc tranh tụng được đề cao, bản án được tuyên dựa trên các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa nên đảm bảo độ chính xác cao, đúng pháp luật, chặt chẽ, rõ ràng, khả thi. Tỷ lệ áp dụng biện pháp xử lý hành chính và đưa người đi cai nghiện bắt buộc đạt 100% vượt chỉ tiêu đề ra.
Đặc biệt, trong năm 2023 và 5 năm gần đây, TAND quận Long Biên không có án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán và Hội đồng xét xử… Với những kết quả đã đạt được trong năm 2023, tập thể cán bộ, công chức TAND quận Long Biên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được suy tôn tặng thưởng Cờ Thi đua Chính phủ.
Bước vào năm 2024, Chánh án TAND quận Long Biên Nguyễn Thị Hồng Hà khẳng định, nhiệm vụ tổng quát của đơn vị là: “Xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội hay bỏ lọt tội phạm; tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự và giải quyết các loại án đảm bảo thời hạn luật định”.
|
Nguyên tắc tranh tụng tại tòa luôn được TAND quận Long Biên đề cao và làm căn cứ để đưa ra phán quyết. |
Để làm tốt những nhiệm vụ trên, TAND quận Long Biên đã đề ra những giải pháp đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết xét xử các loại án như: Đẩy mạnh việc triển khai hiệu quả việc tổ chức phiên toà trực tuyến; Xây dựng đội ngũ cán bộ, Thẩm phán, Thư ký có đủ phẩm chất, năng lực uy tín, liêm chính, chuyên nghiệp.
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật; nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, người lao động Tòa án các cấp nhằm củng cố và tạo niềm tin của người dân đối với Tòa án.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để giúp người dân biết về lợi ích của hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong tương quan so sánh với tố tụng, góp phần đưa Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thực sự trở thành phương thức giải quyết vụ việc nhanh chóng, hiệu quả nhất, đồng thời góp phần giúp cho việc giải quyết các tranh chấp bằng thủ tục tố tụng được giảm bớt, hạn chế áp lực, tiết kiệm thời gian cho người tiến hành tố tụng.
Và sau cùng là vận hành có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin đã đưa vào sử dụng để tiết kiệm thời gian và tăng cường tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của Tòa án, trong đó tích cực vận hành phần mềm “Trợ lý ảo” để giúp Thẩm phán rút ngắn thời gian nghiên cứu vụ việc.