“Điểm nóng” Afghanistan với thế giới bên ngoài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc Taliban tiếp quản Afghanistan đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra khi một số lượng rất lớn người dân nước này cố gắng tháo chạy ra nước ngoài lánh nạn.

Tại sân bay Kabul, máy quét an ninh đã bị hỏng do cả biển người chạy qua. Không chỉ những người tuyệt vọng lên các chuyến bay thương mại đến Dubai và Istanbul, hoặc các chuyến bay sơ tán đến Mỹ và Anh. Mọi người đều rời khỏi vị trí của mình đổ dồn về sân bay.

Sân bay Kabul đã phải đóng cửa để ngãn dòng người đổ dồn về khu vực này

Sân bay Kabul đã phải đóng cửa để ngãn dòng người đổ dồn về khu vực này

Chia rẽ về vấn đề người tị nạn

Tại cuộc họp báo đầu tiên sau khi nắm quyền, Taliban hứa sẽ ân xá cho các cựu binh sĩ Afghanistan, nhà thầu và biên dịch viên từng làm việc cho các lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu từ năm 2001 cũng như đảm bảo quyền tiếp cận và bình đẳng cho người dân song nhiều người nghi ngờ về những điều đó. Trước làn sóng di dân từ Afghanistan, có nước bày tỏ sẽ tiếp nhận người tị nạn Afghanistan, một số lại kêu gọi thắt chặt hơn khu vực biên giới.

Iran có chung đường biên giới dài 900km với Afghanistan và đã tiếp nhận gần 3,5 triệu người Afghanistan. Hiện 3 tỉnh của Iran giáp biên giới với Afghanistan đang thiết lập chỗ ở tạm thời cho một dòng người tị nạn Afghanistan tiềm năng. Ông Hossein Ghassemi, quan chức hàng đầu về vấn đề biên giới của Bộ Nội vụ Iran cho biết, người Afghanistan sẽ hồi hương nếu tình hình được cải thiện.

Vào tháng 6-2021, Thủ tướng Imran Khan cho biết, Pakistan sẽ niêm phong biên giới với Afghanistan trong trường hợp Taliban nắm quyền kiểm soát, bởi họ vốn đang phải vật lộn để đối phó với khoảng 3 triệu người di cư Afghanistan cư trú tại Pakistan. Các điểm biên giới dường như vẫn mở cửa cho người Afghanistan cho đến nay, nhưng Bộ trưởng Thông tin Fawad Chaudhry nói rằng, Islamabad đang chuẩn bị một “chiến lược toàn diện” để cô lập những người tị nạn trong các trại định cư gần biên giới - một động thái nhằm ngăn chặn một số lượng lớn tiến xa hơn vào lãnh thổ Pakistan.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan hôm 15-8 cho biết, Ankara sẽ phối hợp với Pakistan để ngăn chặn một cuộc di cư mới. Chính phủ đã đẩy mạnh việc xây dựng bức tường biên giới với Iran trong những ngày gần đây.

Trong khi đó, Anh và Canada sẵn sàng tiếp nhận 20.000 người tị nạn Afghanistan trong vài năm. Cả hai đều có một chương trình nhập cư đặc biệt dành cho hàng nghìn người Afghanistan từng làm việc cho quân đội Canada và Anh, bao gồm thông dịch viên, nhân viên Đại sứ quán và gia đình của họ.

Nếu như Australia chỉ sơ tán một số lượng không được tiết lộ những người Afghanistan đã làm việc cho các binh sĩ và nhà ngoại giao nước này thì Thụy Sỹ ngày 18-8 cho biết, họ sẽ không chấp nhận các nhóm lớn người tị nạn Afghanistan mà thay vào đó sẽ xem xét các đơn xin tị nạn trên cơ sở từng trường hợp. Cứng rắn hơn, Áo đã từ chối tiếp nhận người tị nạn do Áo đã là quê hương của cộng đồng Afghanistan lớn thứ hai trong EU, với 44.000 người đồng thời kêu gọi EU thắt chặt hơn biên giới bên ngoài đối với người tị nạn.

Xem xét lại việc phụ thuộc vào Mỹ trong lĩnh vực chiến lược

Trên khắp Trung Đông, việc Taliban nhanh chóng chiếm được quyền lực ở Afghanistan khiến một bộ phận coi đó là tín hiệu cho thấy khu vực này không còn có thể phụ thuộc vào sức mạnh đang suy giảm của Mỹ. Các nhà phân tích cho biết, ở Trung Đông, Mỹ từ lâu đã là cường quốc bên ngoài can dự mặc dù mức độ can dự đã giảm đi kể từ khi họ rút bớt lực lượng ở Iraq. Tuy nhiên, các sự kiện ở Afghanistan có thể thúc đẩy các quốc gia thành lập các liên minh mới hoặc song song.

Mohammad Abu Rumman, một nhà phân tích và là cựu Bộ trưởng Jordan, cho biết: “Những gì đã xảy ra ở Afghanistan củng cố niềm tin của nhiều chế độ Ả-Rập rằng vai trò của Mỹ trong thế giới Ả-Rập và Hồi giáo... đang thoái trào”. “Đã đến lúc giảm bớt sự phụ thuộc vào Washington trong lĩnh vực chiến lược”, nhà phân tích Abdulkhaleq Abdulla của Emirati viết trên tờ The National.

Chính sách và sự can thiệp quân sự của phương Tây đã làm dấy lên các phong trào phản kháng trong nhiều thập kỷ ở Trung Đông và một số người hoan nghênh sự rút lui của các quân đội nước ngoài. Phong trào Houthi ở Yemen và Hezbollah của Lebanon, cả hai đều liên kết với Iran, đã gọi Afghanistan là sự thất bại của nước Mỹ.

Tuy nhiên, một số người lo ngại về lực lượng nổi dậy ở Afghanistan, nơi mà trước năm 2001, nhiều chiến binh Ả-Rập đều do Taliban huấn luyện. Nhà phân tích người Jordan Abu Rumman, một chuyên gia về các nhóm Hồi giáo cho biết, việc Taliban chiếm được Kabul có thể thúc đẩy các phần tử thánh chiến hướng đến Afghanistan - “Theo phán đoán của tôi, điều này có thể khích lệ tinh thần của hàng nghìn chiến binh thánh chiến sau khi Nhà nước Hồi giáo tan rã. Mặc dù vậy, Taliban sẽ đối xử thận trọng với các chiến binh thánh chiến mới đến vì họ đã ký thỏa thuận hòa bình dẫn đến việc rút quân của Mỹ ở Afghanistan”.