Điểm mặt, chỉ tên “cò” hoành hành tại các bến xe

ANTĐ - Ép hành khách đi xe dù để ăn “hoa hồng”, bán khách dọc đường hay sẵn sàng ra tay hành hung nếu bị phản ứng vốn không xa lạ tại khu vực các bến xe. Chỉ đến khi đoạn clip do camera an ninh tại bến xe Nước Ngầm ghi lại hình ảnh một hành khách bị “cò” xe đánh và kéo lê trên đường thì dư luận thực sự phẫn nộ…

Hành khách bị “cò mồi” tấn công bên ngoài Bến xe Nước Ngầm

Xe dù, cò mồi: “Cặp đôi hoàn hảo”

Năm ngoái, báo An ninh Thủ đô đã có loạt bài phản ánh về tình trạng cò xe khách đường dài thường xuyên tụ tập trước cổng bến xe Nước Ngầm, trong đó nêu rõ gần 20 biển kiểm soát của những chiếc xe dù cũng như việc những nhà xe này thuê các đối tượng “cò mồi” bắt khách tại đây. Sau đó lực lượng công an đã vào cuộc trấn áp mạnh mẽ. Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau đó tình trạng này lại tiếp tục tái diễn, thậm chí với mức độ ngang nhiên hơn. Mới đây, camera an ninh lúc 12h ngày 17-3 của bến xe Nước Ngầm đã ghi lại cảnh 2 đối tượng Trần Văn Tuấn (SN 1985) quê ở xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa và Thái Văn Hùng (SN 1983) quê ở thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An xông vào đấm đá một hành khách đang đứng đợi xe, sau đó kéo lê nạn nhân dưới đất ra chỗ khác để đe dọa.

Theo cánh lái “xe ôm” tại đây, việc hành khách đứng đợi xe thường bị “cò mồi” tiếp cận. Thậm chí có cả những hành khách nữ bị đám du côn này chửi bới, xé tan quần áo, đánh đập tàn nhẫn ngay giữa ban ngày. Tuy nhiên, phần lớn các nạn nhân sau đó đều sợ hãi và chạy trốn bằng cách tìm lên một chuyến xe khác để về quê luôn chứ không mấy ai dám đến cơ quan công an tố cáo. Do đó “cò” càng được thể lộng hành. Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho biết: “Xe dù và “cò mồi” là chuyện không hề mới tại khu vực bến xe. Xe dù là những chiếc xe không đăng ký hoạt động tại bến, không bán vé và cũng không được Sở Giao thông Vận tải cấp phép chạy tuyến cố định. Nhưng bằng cách nào đó họ vẫn hoạt động, vẫn đón trả khách mà không hề bị cơ quan chức năng xử lý. Đặc trưng của xe dù là do không chịu sự kiểm soát của bến xe nên họ không cần phải xuất bến đúng giờ, do đó có thể “vô tư” chạy lòng vòng đón khách quanh khu vực bến xe đến khi nào kín chỗ mới thôi. Và để làm được việc đó thì đương nhiên phải có một đội ngũ “cò mồi” đứng ra lo việc bắt khách. Đây chính là nguyên do dẫn đến các vụ hành hung khách như báo chí phản ánh”.

Mặc dù xung quanh bến xe Nước Ngầm được trang bị hàng loạt các camera an ninh cũng như hệ thống loa thường xuyên ra rả khuyến cáo người dân cảnh giác với các đối tượng cò mồi, nhưng các vụ việc tấn công khách vẫn liên tiếp xảy ra. “Việc này diễn ra hàng ngày trước mắt chúng tôi, nhưng thực sự bến bất lực bởi chúng tôi không có quyền gì để can thiệp hay ngăn chặn những chiếc xe dù ấy. Cùng lắm khi thấy khách bị tấn công thì bảo vệ bến cũng chỉ có thể ra can ngăn mà thôi. Thậm chí kể cả can ngăn, bảo vệ cũng có thể bị trả thù” - ông Lập cho biết.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện ở bến xe Nước Ngầm có hơn 10 chiếc xe dù vẫn đang ngang nhiên hoạt động của các nhà xe Tiến Thành (6 xe), Khánh Học (3 xe), Minh Hóa (1 xe), Huy Hương (1 xe). Nơi tập kết của những chiếc xe này chủ yếu là khu vực các bãi đất trống trong Khu đô thị Pháp Vân. Các nhà xe này thường thuê và trả lương theo tháng khoảng 20 đối tượng không nghề nghiệp như Cường “cổ ngỗng”, Thắng “đen”, Dũng, Chiến… để làm nhiệm vụ bắt khách. Trong đó, riêng nhà xe Tiến Thành đã có “thâm niên” chạy xe dù tại đây nhiều năm nay nhưng vẫn không hề bị xử lý.

Cần xử lý nghiêm!

Còn xe dù thì còn vấn nạn “cò mồi”, còn “cò mồi” thì hành khách còn bị “chặt chém” và hành hung. Trung tá Lê Kim Đồng, Đội trưởng Đội 5 - Phòng Cảnh sát hình sự cho biết, “cò mồi” bến xe phần lớn là các đối tượng lưu manh hung hãn. Do đó chúng không chỉ tấn công hành khách, mà còn sẵn sàng thanh toán nhau khi tranh giành trong việc làm ăn.

Cũng theo Trung tá Lê Kim Đồng, hiện nay việc xử lý các đối tượng cò mồi cũng như xe dù chủ yếu căn cứ vào Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Trong khi đó chế tài xử phạt của nghị định lại quá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe. “Chúng tôi quét liên tục, xử lý liên tục, có đối tượng bắt đi bắt lại nhiều lần, phạt rồi thả. Việc đó không khác gì bắt cóc bỏ đĩa bởi đó chỉ là phần ngọn. Vấn đề cơ bản nhất là hiện nay Sở GTVT, lực lượng TTGT và CSGT cần phải cương quyết hơn trong việc xử lý xe dù. Hết xe dù thì “cò” sẽ không còn đất sống. Người dân đi xe cũng không còn phải nơm nớp lo âu. Theo tôi, việc cần làm lúc này là phải tạm giữ tất cả các xe hoạt động không đúng tuyến, không đăng ký bến và phạt thật nặng. Nếu cần tước giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, yêu cầu các chủ xe cam kết không được thuê mướn “cò”, những xe nào vi phạm thì cương quyết cắt “nốt”, đình tài. Những việc này không khó, chủ yếu là có được quan tâm và giải quyết hay không mà thôi” – Trung tá Lê Kim Đồng nói.