Điềm đạm bụng sẽ đói

ANTĐ - Bác thích làm việc với sếp tính tình điềm đạm hay nóng vội?

- Người điềm đạm thường khôn ngoan, giúp việc cho họ sẽ học được nhiều điều.

- Thảo nào mà cả đời bác chỉ làm bảo vệ, không ngóc đầu lên được. Làm lính cho anh nóng vội là sướng nhất. Mấy bữa nay báo chí đang rầm rĩ chuyện một ông bộ trưởng thừa nhận đã nóng vội khi bổ nhiệm một người làm ăn kém cỏi đấy. 

- Ở nước mình, có nhiều người mắc bệnh nóng vội như vậy không bác?

- Cũng kha khá. Khối ông vi phạm ở cơ quan này lại được sếp nóng vội điều chuyển sang cơ quan khác. Mỗi lần sếp nóng vội, người được điều động lại giữ một vị trí cao hơn, thế mới lạ chứ. 

- Người càng làm to mà mắc bệnh này thì càng gây hậu quả lớn bác nhỉ?

- Đúng vậy.  Chỉ cần nhìn vào hai ông “kễnh” của ngành điện và ngành giao thông để thất thoát, sai phạm hàng chục nghìn tỷ đồng mà vẫn được sếp tin tưởng cho thấy, bệnh nóng vội ở mình là khá phổ biến.

- Sao biết cái tật này là xấu mà không ai sửa hả bác?

- Họ chẳng dại đâu, nóng vội ra tiền còn hơn điềm đạm mà bụng đói. Hơn nữa, khi bị phê bình cứ đổ hết cho tính khí sốc nổi, thiếu kinh nghiệm, người đời dễ tha thứ. Thường thì những anh làm việc cẩn thận mà vẫn sai mới bị phê phán thôi.

- Đúng thế thật. Trước đây, tôi có léng phéng với cô bạn học cùng thời phổ thông bị bà vợ bắt quả tang, tôi xin lỗi rồi đổ hết cho sự bồng bột của tuổi trẻ, thế mà cũng được bỏ qua đấy, dở hơi nhỉ.

- Đấy bác thấy chưa, đã làm quan thì chớ có gắn với sự chín chắn. Càng nóng vội thì càng làm to, phe cánh càng được nhờ, chỉ đất nước là thiệt thôi.