Xét tuyển ĐH, CĐ 2012:

Điểm chuẩn tốp đầu sẽ cao hơn

ANTĐ - Mặc dù mới bước vào giai đoạn đầu chấm thi kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 nhưng không ít trường thuộc tốp đầu cho biết khả năng điểm chuẩn năm nay sẽ tăng. Bên cạnh đó là mối lo về tình trạng đăng ký ảo khi các trường được quyền hạ điểm chuẩn.

Thí sinh sẽ phải cạnh tranh gay gắt ở những trường tốp đầu


Cạnh tranh quyết liệt hơn

“Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mùa tuyển sinh năm nay nhận được khá nhiều hồ sơ đăng ký tuyển thẳng của các thành viên đoạt giải đội tuyển quốc gia, những em này, theo quy định mới của Bộ GD-ĐT về chính sách tuyển thẳng, không phải dự thi ĐH để đạt điểm sàn như mọi năm đều sẽ được nhận vào trường” - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Thị Tĩnh cho biết. Cũng vì nguyên nhân này nên mặc dù chưa thể dự kiến được mức điểm chuẩn vào trường năm nay nhưng bà Nguyễn Thị Tĩnh khẳng định với số lượng đăng ký vào các nhóm ngành xã hội đã tăng đáng kể của nhóm đối tượng này sẽ nâng mức cạnh tranh trong kỳ thi ĐH năm nay, đồng thời dẫn đến khả năng điểm chuẩn của nhiều ngành sẽ cao hơn năm 2011.

Phân tích ở góc độ khác, Bà Đoàn Phương Dung, đại diện Hội đồng tuyển sinh Học viện Ngoại giao, cũng dự đoán điểm chuẩn cũng như chất lượng đầu vào năm nay của trường sẽ cao hơn các năm trước. Theo bà Đoàn Phương Dung, điểm mới của kỳ thi năm nay là bổ sung thêm khối A1, kèm theo đó là tình trạng tăng đột biến lượng thí sinh dự thi vào trường. “Khả năng điểm đầu vào năm nay sẽ tăng cao bởi thí sinh dự thi vào trường thường là có chọn lựa với năng lực tốt”. Được biết, năm nay Học viện Ngoại giao có thêm khối thi A1 cho ngành quan hệ quốc tế. Ngoài ra, có một số ngành tuyển thêm khối A như quan hệ quốc tế, truyền thông quốc tế. Trong tổng số hơn 4.800 hồ sơ đăng ký vào học viện, riêng khối A1 đã có 1.382 hồ sơ, khối A là 1.086 hồ sơ.

Lo ngại lộn xộn xét tuyển 

Quy định mới của Bộ GD-ĐT về việc không hạn chế số đợt xét tuyển của từng trường và bỏ quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước như trước đây... không khiến các trường tốp đầu lo ngại bởi đầu vào có chất lượng và tính ổn định cao. Ngược lại, mối lo đang rơi vào các trường thuộc tốp dưới khi những năm trước phải trông chờ chủ yếu vào nguyện vọng 2. 

GS. Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng phân tích, việc cho phép hạ điểm chuẩn sẽ rất dễ gây ra tình trạng rối loạn không phải của một trường mà là cả hệ thống. Các trường sẽ rơi vào tình trạng luôn luôn không ổn định vì không biết thí sinh có học ở trường mình hay không? Tâm lý thí sinh cũng không yên tâm vì phải chờ đợi xem trường dự thi có hạ điểm chuẩn hay không. Ông Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Tài chính Marketing, cũng nhận định việc hạ điểm chuẩn là rất rối trong khâu xét tuyển, tỷ lệ “ảo” cao. Cách làm này chưa chắc giúp những ngành khó tuyển có thể tuyển đủ chỉ tiêu, ngược lại còn ảnh hưởng đến cơ cấu ngành nghề về lâu dài.

Giải thích về quy định này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, điểm chuẩn các trường năm nay chỉ cần đảm bảo 2 điều kiện: điểm trúng tuyển không được thấp hơn điểm sàn quy định cho từng khối thi; số lượng thí sinh trúng tuyển không được vượt chỉ tiêu Bộ đã thông báo. Nếu điểm chuẩn nguyện vọng 1 vào trường lần xét tuyển trước cao, trường không tuyển đủ chỉ tiêu thì lần xét tuyển tiếp theo có thể hạ thấp điểm chuẩn nhưng không thấp hơn điểm sàn. Cân nhắc về khả năng có lộn xộn với quy định này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Thông thường số thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 chiếm khoảng 70%, chỉ có 25-30% số thí sinh tham gia xét tuyển các đợt còn lại. Con số này sẽ được tự điều chỉnh khi có thời gian. Vì thế, năm nay thời gian tuyển sinh đã được cho phép kéo dài hơn để tăng thêm quyền lợi cho thí sinh”.