Dịch vụ đẻ thuê: Những hệ lụy khó ngờ

ANTĐ - Mùng 2 tết, đến nhà chị bạn chơi, tôi ngạc nhiên khi thấy chị bế trên tay một cháu bé hơn 1 tháng tuổi. Như đọc được suy nghĩ của tôi, chị kéo tôi vào phòng trong nói nhỏ: “Chị thuê đẻ đấy, 100% con anh C chồng chị nhé. Giấy khai sinh còn ghi tên chị hẳn hoi”… Quả thật, trước vẻ mặt đầy mãn nguyện của chị bạn, tôi không biết nên mừng hay lo.

(Ảnh minh họa)

Khám thai mang tên… người khác

Lấy nhau đã được gần 10 năm nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thu H, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn chưa có con. Dù hai vợ chồng chị H đã chạy chữa khắp nơi, song mơ ước về một tiếng trẻ thơ trong nhà vẫn quá xa vời. Cách đây hơn 1 năm, nghe có người mách “muốn có con sao không nhờ người đẻ hộ”, chị H mừng như vớ được vàng. Qua “cò” chị gặp một phụ nữ tên K đã sinh được 3 con trai có hoàn cảnh rất khó khăn. Sau một hồi bàn bạc, hai bên thống nhất: “Chị K đồng ý cấy tinh trùng của chồng chị H vào cơ thể mình và mang thai. Khi sinh con xong, chị K sẽ trao lại đứa bé cho vợ chồng chị H và tuyệt nhiên không được quay lại thăm nom, chăm sóc đứa bé. Đổi lại, chị K sẽ nhận được 100 triệu đồng - gọi là tiền bồi dưỡng công mang nặng đẻ đau”. Sau 9 tháng 10 ngày mang thai, chị K đã sinh một bé gái khỏe mạnh. Theo đúng hợp đồng, trong giấy khai sinh của đứa bé, phần tên bố và mẹ đều ghi tên vợ chồng chị H. Cầm tờ giấy khai sinh trong tay, chị H hớn hở: “Tờ giấy này là căn cứ pháp lý chứng tỏ đứa bé là con tôi, do tôi sinh ra chứ không phải ai khác”…

Giống như chị Nguyễn Thu H, chị Lê Ngọc L, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa cũng đã mất 12 năm chờ đợi sự xuất hiện của một đứa trẻ. Ba lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại, sau một lần lên mạng, chị L đọc được thông tin “đang cần tiền gấp. Ai có nhu cầu đẻ thuê xin liên hệ số điện thoại 0912…”. Tìm hiểu, chị L được biết nếu thực hiện việc này theo đúng quy định sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian nên hai vợ chồng chị quyết định sử dụng “dịch vụ ngầm”.

Sau khi tìm được “đối tác”, vợ chồng chị H quyết định xin nghỉ việc không lương 1 năm với lý do “đi du lịch”: “Chúng tôi đã quyết định vào TP Hồ Chí Minh để “tìm con”. Theo hợp đồng đã ký giữa hai bên, trong thời gian mang thai nếu phát hiện đứa bé có bất cứ dị tật nào như sứt môi, khoèo tay… thì người phụ nữ mang thai phải bỏ thai và quy trình phải thực hiện lại từ đầu. Để tránh rủi ro, chúng tôi yêu cầu người đẻ thuê đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe và làm các xét nghiệm cần thiết trước khi ký hợp đồng. Trong quá trình đi khám thai đến khi sinh nở, người đẻ thuê không được khai tên thật của mình mà phải khai theo tên, tuổi của tôi để thuận lợi cho việc làm Giấy chứng sinh và Giấy khai sinh cho đứa trẻ. Điều này là khá dễ dàng do hầu hết các bệnh viện đều không kiểm tra chứng minh nhân dân của người đẻ”…

Tin nhau là chính ?

Hiện tại, ở Việt Nam, khái niệm “đẻ thuê” vẫn còn khá xa lạ và bị xem là trái với đạo đức truyền thống, làm mất đi sự thiêng liêng vốn có của tình mẫu tử. Hành vi đẻ thuê bị xem là nghề “chui”, phạm pháp nên hầu như không nhận được sự cảm thông của xã hội. Trên thực tế, không ít người đẻ thuê đã gặp rủi ro về sức khỏe, phải cắt bỏ tử cung thậm chí đánh đổi cả tính mạng sau khi sinh đứa bé. Những hệ lụy của dịch vụ đẻ thuê không chỉ xảy ra với người “cho thuê tử cung” mà còn khiến những người có nhu cầu tìm đến dịch vụ này gặp nhiều tình huống “dở khóc, dở cười”.

Anh Nguyễn Đức H - nhân viên kế toán của một công ty xây dựng tại Hà Nội tâm sự: “Trong hành trình đi tìm tiếng cười trẻ thơ, điều đầu tiên đối với các cặp vợ chồng là làm sao tìm được một người đẻ thuê có sức khỏe đảm bảo, có nhân cách tốt… Tất cả những điều này cần được “đảm bảo chất lượng”, nhưng do hầu hết mọi người đều sử dụng “dịch vụ chui” nên không ai dám chắc chắn 100%, từ lúc thụ tinh đến khi đứa trẻ ra đời và cả tính pháp lý của hợp đồng… Tất cả chỉ được đảm bảo bằng “niềm tin”. Do đó, trong quá trình mang thai hay sinh con xong, người đẻ thuê mang đứa trẻ đi đâu mất thì bên thuê đẻ cũng chẳng có lý do để kiện tụng. Thậm chí có trường hợp, sau khi thuê đẻ xong, người phụ nữ bế ngay đứa trẻ đến nhà người thuê đẻ để “ăn vạ”. Chị ta đòi được sống trong căn nhà đó, đòi được “danh chính ngôn thuận” với chủ nhà, nếu không sẽ làm ầm lên. Trong tình cảnh này, tôi cũng chẳng biết khuyên bạn thế nào”…

Ban đầu, chỉ với từ 10-15 triệu đồng, khách có nhu cầu đã có thể có một đứa con “thật sự là của mình”. Song đến nay, giá đã tăng lên  gấp nhiều lần. Đối tượng được thuê đẻ thường là những cô gái nông thôn khỏe mạnh, ít học, có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, không ít gái mại dâm do thấy nghề “đẻ thuê” có vẻ ngon ăn nên cũng đã “rửa tay gác kiếm” tham gia vào đội quân “cho thuê tử cung” tại một số thành phố lớn. Theo đó, dịch vụ môi giới (“cò” đẻ) đã ra đời và hoạt động một cách lén lút nhằm giới thiệu người đẻ thuê cho khách hàng. Trong thời gian mang thai, nếu người phụ nữ bị sẩy thai thì hợp đồng đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không bên nào phải đền bù. Điều khoản này cũng được áp dụng khi bệnh viện buộc người mang thai phải bỏ thai do phát hiện dấu hiệu bất thường. Trong trường hợp bên đẻ thuê gặp trục trặc trong lúc sinh, bên thuê phải có trách nhiệm lo hậu sự.

Theo Tiến sỹ - bác sỹ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và phát triển cộng đồng, nghề đẻ thuê dù tạo ra nguồn thu nhập không nhỏ cho những hoàn cảnh khó khăn nhưng xét cho cùng, những người làm nghề này sẽ mất nhiều hơn được. Đành rằng sau khi trao con nhận tiền là hợp đồng kết thúc song sự dằn vặt lương tâm, một nỗi đau tinh thần, một cảm giác ê chề và hối hận sẽ theo những người mẹ “đẻ thuê” suốt cả cuộc đời. Họ sẽ phải đối mặt với sự gièm pha, những thương tổn tinh thần không gì bù đắp được. Một số người ngay từ lần đầu tiên đã bị mắc những căn bệnh quái ác như lậu, giang mai… thậm chí vô sinh vĩnh viễn khi chưa một lần làm mẹ. Họ mất tất cả, không những không kiếm được tiền mà cũng không thể sinh con cho mình. Có người vì những lý do cá nhân còn trở thành nô lệ tình dục của người đi thuê trong thời gian dài…

(Còn nữa)