Dịch sốt xuất huyết tăng mạnh ở các huyện ven đô Hà Nội, một tuần gần 230 ca mắc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chỉ trong một tuần vừa qua, Hà Nội ghi nhận thêm 228 ca mắc sốt xuất huyết, tăng mạnh so với những tuần trước đó và tập trung chủ yếu ở các quận, huyện ven đô…
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh kiểm tra công tác phòng chống SXH tại quận Hoàn Kiếm

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh kiểm tra công tác phòng chống SXH tại quận Hoàn Kiếm

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về tình hình dịch bệnh trong tuần qua (từ 31-8 đến 6-9), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 228 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 01 trường hợp tử vong tại quận Hoàn Kiếm.

So với một tuần trước đó thì số ca mắc SXH tuần qua tăng 76 ca, phân bố tại 106 xã, phường, thị trấn nhưng tập trung chủ yếu ở một số quận, huyện vùng ven đô, gồm: Thường Tín (38 ca), Nam Từ Liêm (35 ca), Thanh Oai (13 ca), Đan Phượng (12 ca)…

Lũy tích từ đầu năm 2020 đến nay, toàn Hà Nội ghi nhận 1.802 trường hợp mắc SXH, 02 trường hợp tử vong. Theo Sở Y tế Hà Nội, thời tiết hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển.

Vì vậy, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, như: Vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người dân phối hợp thực hiện, không chủ quan với dịch bệnh.

Liên quan đến ca tử vong mới nhất do SXH ở quận Hoàn Kiếm – là ca tử vong thứ 2 do SXH tại Hà Nội năm 2020, trong tuần qua, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm.

Đến thời điểm này, quận Hoàn Kiếm đã ghi nhận 54 trường hợp SXH, 08 ổ dịch, trong đó có 01 trường hợp tử vong.

PGS. TS Hoàng Đức Hạnh yêu cầu TTYT quận Hoàn Kiếm cần huy động các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt công an, dân phòng tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bệnh.

Đặc biệt, cần chủ động giám sát véc tơ, giám sát ổ bọ gậy, giám sát bệnh nhân. Khi có nguy cơ, có bệnh nhân cần xử lý kịp thời, nhất là đẩy mạnh truyền thông để người bệnh không tự mua thuốc điều trị tại nhà.