“Dịch chuyển” để tới gần thiên nhiên

ANTĐ - Có một “Nhóm họa sỹ lưu động” đã tự chọn con đường riêng để tiếp cận với công chúng, mà theo như lời họ nói, thì đó là con đường “gần gũi và thân thiện”, chứ không cố để ép mình theo xu hướng. 
“Dịch chuyển” để tới gần thiên nhiên ảnh 1
“Bên hiên” - tác phẩm của họa sỹ Lê Thúy

Bị tịch thu đồ vì… vẽ 

“Nhóm họa sỹ lưu động” - cái tên rất dễ gợi đến những người lang thang đi vẽ… tranh dạo, nhưng kỳ thực mục tiêu của những họa sỹ trẻ này là tìm kiếm sự dịch chuyển trong không gian để sáng tác. 8 họa sỹ trẻ Lê Thế Anh, Duy Tùng, Nguyễn Ngọc Tuấn, Đặng Hiệp, Duy Hòa, Đặng Hữu, Trịnh Liên và Lê Thúy, trưởng thành từ trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và nhiều nơi khác nhau, nhưng tất cả đều có chung niềm đam mê với những lát cắt từ thiên nhiên. Từng làm việc với nhau trong suốt 2 năm và thực hiện nhiều chuyến rong ruổi từ miền núi xuống đồng bằng, từ làng ra thành phố, những họa sỹ trẻ ấy có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, trong đó không ít tình huống dở khóc dở cười.

Trịnh Liên - trưởng nhóm nhớ lại kỷ niệm chuyến đi thực tế ở Mai Châu, Hòa Bình khi cả nhóm đi lạc vào một xã nhức nhối về ma túy. Nhác thấy có sự xuất hiện của một đám người lỉnh kỉnh với một đống đồ đạc vừa giá vẽ, vừa màu, vừa bút, dân làng lao đến rào cổng, tịch thu đồ nghề. Thậm chí có người đàn ông lăm lăm cầm dao đe dọa khiến cả nhóm được một phen kinh hãi. Chỉ khi dân làng phát hiện ra họ chỉ đi vẽ tranh phong cảnh, chứ không có ý đồ gì khác, cả nhóm mới được “tha”. Nhưng điều buồn cười nhất là có người sau khi xem xong tranh thì nói: “Chúng mày vẽ tranh gì trông như… bản đồ”. Rồi có những hôm cả nhóm lăn lê trên những con đường đất, ngồi trong rừng hay đứng ngay giữa ruộng lúa, vừa đặt giá vẽ xuống thì trời đổ mưa. Tất cả lại khuân hết đồ để… chạy. 

Tương lai của tranh phong cảnh

“Đón nhận những ý tưởng của vẻ đẹp vĩnh hằng, sự chân thành trong nghệ thuật, sự quyến rũ bất tử của thiên nhiên và khả năng gợi lên những tình cảm cao cả trong trái tim con người”, đó là những gì mà nhà nghiên cứu - phê bình mỹ thuật người Nga - Natalia Kraevskaia, người đã theo dõi quá trình sáng tạo của Nhóm họa sỹ lưu động trong suốt 2 năm đánh giá về họ. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng khi một thời gian dài, các nhà phê bình nghệ thuật không ngừng suy ngẫm về tương lai của tranh phong cảnh và đặt ra những câu hỏi “liệu tranh này còn sống không?”.

Sự kiên định khó tin của những họa sỹ trẻ còn thể hiện ở những “tuyên ngôn” về việc theo đuổi nghệ thuật của họ. Nếu như Đặng Hiệp - thành viên ít tuổi nhất chịu khó đi khai thác những mảng miếng về kiến trúc phố cổ với những con hẻm chật hẹp, những khoảng sân tù túng quen thuộc, thì Lê Thúy - nữ họa sỹ duy nhất của nhóm lại tập trung vào những góc cảnh giản dị, đôi khi chỉ là những loài thực vật hoang dã, những cây hoa dại, tưởng như tầm thường nhưng chỉ bằng một vài thủ pháp biến hóa với màu sắc, chúng trở nên sáng bừng và tràn sức sống.

Trong bức tranh tổng thể đó, Đặng Hữu lại đem đến một cái nhìn hoàn toàn khác, khi lựa chọn những bình, chai, lọ hoa và bát, sắp chúng trong một không gian mới, mang đậm tính tường thuật. Đây là một nét đột phá táo bạo, vì từ một thể loại khá truyền thống trong mỹ thuật mang nhiều tính mô phỏng, bắt chước, anh đã thổi hồn cho những đồ vật này, để chúng tự “biểu diễn”. Dù thể hiện dưới hình thức nào thì, việc “Nhóm họa sỹ lưu động” khai thác mối tương quan giữa những nét đẹp, cái rộng lớn của thiên nhiên, với những trải nghiệm, cảm xúc của con người cho thấy, đề tài phong cảnh tưởng như đã quá quen thuộc, lại không hề mòn, cũ. Mà ngược lại, chính việc trở lại với sự bình dị của thiên nhiên đã khiến người xem được thưởng thức những tác phẩm gần gũi, đời thường hơn, giữa bối cảnh một bộ phận những người làm nghệ thuật đương đại chạy theo “xu hướng”, ồn ào và có phần xa lạ với phần đông công chúng. 

Triển lãm “Tiếng vọng từ thiên nhiên” của “Nhóm họa sỹ lưu động” bao gồm 43 tác phẩm của 8 họa sỹ, sẽ được trưng bày từ ngày 11-8 đến 15-8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).