Công an Hà Nội thực hiện thông tư 12 của Bộ Công an và “Năm kỷ cương hành chính – 2013 của UBND TP:

Địa bàn đầu tiên “cán đích”

ANTĐ - Đó là phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng. Sau gần 20 ngày tích cực triển khai các bước của Thông tư 12, CAP Ngô Thì Nhậm đã khảo sát hơn 2.000 hộ dân trên địa bàn; hướng dẫn kê khai biểu mẫu và xác nhận cho hơn 450 hộ KT1;  xác minh, xác nhận cho 51 trường hợp KT2.

Địa bàn đầu tiên “cán đích”  ảnh 1
Anh Nguyễn Ngọc Long (trú tại số 4C, ngõ Trần Xuân Soạn) vui mừng khi nhận giấy xác nhận 
để làm thủ tục sang tên phương tiện


Quyết liệt, đồng thuận cao

Kết quả chưa dừng lại ở đó! Trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật, 18 và 19-5 tới đây, CAP Ngô Thì Nhậm sẽ báo cáo BCH CAQ Hai Bà Trưng, đề xuất lãnh đạo UBND quận có ý kiến với Chi cục Thuế và Kho bạc, tổ chức phục vụ người dân đến kê khai, nộp thuế. Cũng trong hai ngày này, bộ phận đăng ký xe của CAQ Hai Bà Trưng sẽ có mặt tại Chi cục Thuế, tiếp nhận hồ sơ và viết phiếu hẹn đối với các trường hợp làm thủ tục sang tên đăng ký phương tiện. “Nếu tiến độ đúng như kế hoạch, thì chỉ trong tháng 5 này, toàn bộ hơn 500 trường hợp sang tên, đổi chủ đăng ký phương tiện ở phường Ngô Thì Nhậm sẽ hoàn tất. Người dân sẽ sử dụng đăng ký mới cho phương tiện của mình”, Thượng tá Trần Đình Cương – Phó trưởng CAQ Hai Bà Trưng cho biết.

Ngày 27-4, CAP Ngô Thì Nhậm được CATP chọn là 1 trong 3 phường của toàn thành phố triển khai Thông tư 12 của Bộ Công an, bằng mô hình thí điểm CSKV đến nhà dân phục vụ. Thời gian thí điểm trong 15 ngày, và CAP Ngô Thì Nhậm đã hoàn thành đúng tiến độ. “Quá trình triển khai nhân rộng ở các phường trên địa bàn quận Hai Bà Trưng thời gian sau này, cũng như qua trao đổi với một số đơn vị phường, quận khác, chúng tôi nhận thấy băn khoăn chung là sau khi người dân đã kê khai và CAP đã xác nhận, nếu người dân vẫn không đến nộp hồ sơ làm thủ tục sang tên, đổi chủ đăng ký phương tiện, thì cơ quan chức năng có biện pháp gì? Không lẽ cứ phải chờ cho đến khi hạn định cuối cùng có hiệu lực của Thông tư 12, tận cuối năm 2014?”, Đại úy Nguyễn Quốc Khánh - Trưởng CAP Ngô Thì Nhậm cho biết. Ở đây, “rào cản” lớn nhất chính là các thủ tục hành chính. Bộ Công an và CATP đã chủ động “cởi” thủ tục, bằng Thông tư 12, với mô hình CSKV đến nhà dân phục vụ, đến nay chỉ còn công đoạn đến cơ quan Thuế và nộp tiền kho bạc.

Chỉ một sự sao nhãng của người dân, rất có thể công sức mà CSKV đã bỏ ra sẽ bị lãng phí. CAP Ngô Thì Nhậm đã đề xuất BCH CAQ Hai Bà Trưng “kéo” bên cơ quan Thuế và Kho bạc vào cuộc. Đề xuất này lập tức được lãnh đạo quận Hai Bà Trưng đồng thuận cao. Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng - ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ: “Việc nên làm và phải làm sớm. 2013 là năm mà thành phố xác định mục tiêu cải cách, kỷ cương hành chính. Đâu chỉ riêng mỗi lực lượng công an mới thực hiện cải cách. Các ngành, các bộ phận cũng phải vào cuộc. Nghe báo cáo từ CAQ về việc sẽ tiến hành ở phường Ngô Thì Nhậm, lãnh đạo quận nhất trí ngay, và đã có yêu cầu phối hợp cụ thể đối với cơ quan Thuế và Kho bạc”.

Thêm nhiều cách làm mới

Ngày 8-5, Giám đốc CATP ký ban hành văn bản số 752, chỉ đạo việc tăng cường thực hiện Thông tư 12. Yêu cầu của người đứng đầu lực lượng Công an Thủ đô là cùng với việc hướng dẫn, xác nhận cho các hộ KT1, CSKV sẽ hướng dẫn, xác nhận cho cả các trường hợp KT2 sinh sống trên địa bàn. Nếu nơi cư trú cũ của hộ KT2 thuộc 10 quận nội thành, CSKV sẽ trực tiếp đi xác minh rồi về xác nhận, trao lại biểu mẫu cho người dân. Nếu nơi cư trú cũ của hộ KT2 ở các huyện ngoại thành, CSKV sẽ chuyển tờ khai theo đường giao liên nội bộ CATP đến công an phường, xã, thị trấn, nơi người dân đăng ký HKTT để xác nhận. Chỉ đạo mới này rõ ràng đã giải quyết được tâm lý ngại đi lại, ngại thủ tục của các hộ dân thuộc KT2.

Theo ghi nhận của PV Báo ANTĐ, nhiều địa bàn sau khi cơ bản hoàn thành việc hướng dẫn các hộ KT1 kê khai, đã khẩn trương, tích cực triển khai văn bản số 752 của Giám đốc CATP.  Tại CAP Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, chỉ huy CAP đã tham mưu cấp ủy, chính quyền huy động cán bộ cơ sở cùng CSKV đi xác minh những trường hợp KT2; đồng thời lập các tổ hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của người dân. Các tổ này cũng chịu trách nhiệm đôn đốc người dân sau kê khai phải đi làm nốt thủ tục sang tên, đổi chủ sở hữu phương tiện.

Còn tại quận Long Biên, Thượng tá Nguyễn Hồng Khanh – Phó trưởng CAQ cho biết, chỉ huy quận đã thành lập tổ giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện Thông tư 12 ở 14 phường trên địa bàn. Đối với các trường hợp KT2, chỉ huy CAP mỗi ngày sẽ tập hợp rồi phân công cán bộ đi xác minh theo tuyến những địa bàn gần nhau. Trường hợp có đông KT2, chỉ huy CAQ quán triệt các phường phải tăng cường cán bộ của tổ CSTT hỗ trợ, đi xác minh cùng CSKV. Định kỳ mỗi tuần, CAQ Long Biên mời cán bộ thuế đến đội CSGT để hướng dẫn người dân kê khai, thực hiện thủ tục về thuế. “Quá trình thực hiện, chúng tôi đã phát hiện một số trường hợp phương tiện có biểu hiện nghi vấn, và đã bàn giao đội nghiệp vụ CAQ điều tra mở rộng”, Thượng tá Khanh thông tin về “hiệu ứng” khác của Thông tư 12.