Đi tìm "Park Hang-seo 2.0" và những thách thức cho VFF khoá mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thành công vang dội của nhiệm kỳ cũ giờ là thách thức lớn với dàn lãnh đạo VFF khoá mới, trước mắt là cuộc tìm kiếm người thế chỗ HLV Park Hang-seo ở đội tuyển quốc gia.

Cạnh tranh vé World Cup

Trong nhiệm kỳ IX này, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đề ra một loạt chỉ tiêu thành tích cụ thể, trong đó đáng chú ý là việc đội tuyển quốc gia nam vào vòng loại thứ ba, cạnh tranh vé World Cup 2026 và hướng tới giành suất tham dự World Cup 2030.

Để dự World Cup, đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) phải nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với top đầu châu Á

Để dự World Cup, đội tuyển Việt Nam (áo đỏ) phải nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với top đầu châu Á

Ở khu vực, bóng đá Thái Lan từng lọt vòng loại thứ ba World Cup 2018, nhưng sau đó đã không thể tái hiện thành tích này ở mùa giải kế tiếp. Trong khi đó, đội tuyển Việt Nam giành 4 điểm xếp 12/12 ở vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Cơ hội rộng mở hơn khi châu Á sẽ có 8,5 suất kể từ mùa 2026. Để giấc mơ World Cup thành hiện thực, tuyển Việt Nam cần rút ngắn khoảng cách trong nhóm 12 đội xuất sắc của châu lục, trong 4-8 năm tới.

Mục tiêu cạnh tranh và hướng tới suất dự World Cup trong 4-8 năm tới mà VFF đặt ra là không dễ hoàn thành, song phù hợp với tiến trình phát triển của bóng đá Việt Nam.

Đi tìm phiên bản "Park Hang-seo 2.0"

Thành công của các đội tuyển nam quốc gia thời gian qua như vào vòng loại thứ ba World Cup, vô địch AFF Cup, hạng 8 Asian Cup, hạng tư ASIAD, hai lần vô địch SEA Games... gắn liền với HLV Park Hang-seo, người sẽ từ nhiệm sau ngày 31-1-2023.

Không thể phủ nhận ông Park là HLV thành công nhất lịch sử, vì thế, việc chọn người thay thế khiến VFF gặp nhiều áp lực.

Phó chủ tịch chuyên môn Trần Anh Tú thừa nhận đội tuyển Việt Nam sắp bước vào chu kỳ mới, thời "hậu Park Hang-seo", và để tìm được người mới là không dễ. Theo ông Tú, HLV mới cần phù hợp văn hoá, phù hợp với đội tuyển và "hợp túi tiền" của VFF.

Thành công của HLV Park Hang-seo thách thức VFF khi tìm kiếm người kế nhiệm xứng đáng

Thành công của HLV Park Hang-seo thách thức VFF khi tìm kiếm người kế nhiệm xứng đáng

Chuyên nghiệp hoá V-League

Từ khi ra đời năm 2000 đến nay, "chiếc áo" chuyên nghiệp vẫn bị xem là rộng với V-League. Mùa giải nào, VFF, VPF cũng phải xuê xoa hoặc phạt cho tồn tại đối với một số CLB chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn chuyên nghiệp của AFC.

Chính vì vậy, ở nhiệm kỳ này, VFF đặt ra chỉ tiêu: 100% các CLB đủ điều kiện được cấp phép tham dự các giải đấu do AFC tổ chức; xây dựng tổ chức các CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tiệm cận với mô hình của các nước phát triển của châu lục; thực hiện hoạt động cấp phép cho các CLB tại giải hạng nhất.

Cũng ở nhiệm kỳ VFF khoá IX, bản quyền V-League được bán với số tiền kỷ lục (khoảng 270 tỉ đồng trong 5 mùa 2023-2027), bên cạnh sự xuất hiện lần đầu của công nghệ VAR.

Giá trị V-League tăng đồng nghĩa chất lượng giải đấu (chuyên môn lẫn hình ảnh), tính chuyên nghiệp cũng phải tăng theo để tương xứng với giá trị bản quyền, sự quan tâm của người hâm mộ.

Để làm được điều này, VFF đối mặt nhiều thách thức, bao gồm cả việc xử nghiêm các CLB chưa đạt chuẩn chuyên nghiệp.